Ngày 6/10, Chính phủ Mỹ đưa ra động thái này sau khi ghi nhận các hành động tích cực của chính quyền Khartoum chống chủ nghĩa khủng bố và cải thiện các vấn đề nhân đạo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. (Nguồn: state.gov) |
Trong thông báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: "Các hành động của Chính phủ Sudan trong 9 tháng qua đã cho thấy nước này thực sự nghiêm túc trong việc hợp tác với Mỹ và đã đạt được những bước tiến đáng kể nhằm chấm dứt xung đột và cải thiện các vấn đề về con người".
Bà Nauert khẳng định Mỹ rút lại các biện pháp trừng phạt tiếp sau các hành động tích cực của Chính phủ Sudan. Tuy nhiên, Sudan sẽ vẫn nằm trong danh sách "Quốc gia bảo trợ khủng bố" của Mỹ.
Như vậy, việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mang nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, tất cả các ngân hàng quốc tế sẽ được phép giao dịch với Sudan, và các cá nhân cũng như công ty của Mỹ có thể xử lý các giao dịch liên quan đến các đối tác tại Sudan;
Thứ hai, các cá nhân từ Mỹ có thể tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu mà trước đây bị cấm do lệnh trừng phạt;
Thứ ba, người Mỹ có thể tham gia các giao dịch liên quan đến tài sản mà chính phủ Sudan có lợi ích;
Thứ tư, tất cả tài sản và lợi nhuận liên quan đến tài sản bị phong toả theo các quy định của lệnh trừng phạt sẽ được khai thông;
Thứ năm, hoạt động thương mại giữa Mỹ và Sudan sẽ được phép thực hiện;
Thứ sáu, tất cả các giao dịch của người Mỹ liên quan đến dầu mỏ hoặc hoá dầu ở Sudan sẽ được phép diễn ra, bao gồm cả các dịch vụ khai thác mỏ và đường ống dẫn dầu - khí;
Thứ bảy, các cá nhân Mỹ sẽ không còn bị cấm trong việc thuận lợi hoá các giao dịch giữa Sudan và nước thứ ba;
Tiếp theo, việc dỡ bỏ cấm vận không có nghĩa là Sudan sẽ được đưa ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ;
Cuối cùng, một loạt các biện pháp trừng phạt khác do Liên Hợp quốc áp đặt liên quan đến xung đột tại Sudan vẫn được tiếp tục duy trì. Lệnh cấm vận này chủ yếu nhằm vào ngăn cản việc cung cấp vũ khí và các trang thiết bị cho các bên liên quan tại Darfur.