Mô hình "Đối tác lục địa"
Theo tác giả của đề xuất - Giáo sư André Sapir thuộc trường Đại học Tự do Brussels (ULB) của Bỉ - một châu Âu đa tốc độ phát triển là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh việc xây dựng một cơ cấu siêu quốc gia như hiện nay, EU vẫn cần tạo ra một nền tảng cơ cấu liên chính phủ, tạm gọi là mô hình "Đối tác lục địa".
Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier (phải) and lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn (trái) chuẩn bị họp chung ngày 13/7/ 2017 tại Brussels (Bỉ). (Nguồn: AFP ) |
Mô hình này sẽ mở ra những lĩnh vực hợp tác về thị trường chung, an ninh, đối ngoại và cả quốc phòng. Không chỉ có nước Anh tham gia mô hình "Đối tác lục địa", mà có thể còn cả những nước đã hội nhập với thị trường chung như Na Uy, hay những nước đang có ý định gia nhập EU như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tồn tại 3 mô hình liên kết với EU, đó là các trường hợp của Na Uy, Thụy Sỹ và Canada. Mối quan hệ giữa Na Uy với EU dựa trên Không gian Kinh tế châu Âu (EEE), theo đó chủ yếu là hợp tác trên thị trường chung và có 3 nước chọn mô hình này là Na Uy, Liechtestein và Iceland. Ba quốc gia trên là một phần của thị trường chung EU, họ phải áp dụng tất cả các quy tắc cũng như nguyên tắc của EEE, nhưng lại không có bất kỳ tiếng nói nào trong quá trình xây dựng luật pháp cũng như các quy tắc. Các nước này đều có đóng góp cho ngân sách EU.
Mô hình Thụy Sỹ là việc Thụy Sỹ liên kết với EU bằng một loạt thỏa thuận song phương, thông qua đó nước này tham gia một số chính sách chung của EU, trong đó chủ yếu là trong khuôn khổ khối tự do đi lại Schengen. Thụy Sỹ cũng có đóng góp cho ngân sách châu Âu, nhưng ít hơn 3 nước tham gia EEE trên. Còn mô hình Canada chủ yếu dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quan hệ giữa EU với Canada được xác định bởi Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện EU-Canada (CETA), nhưng hiện nay hiệp định này chưa được đưa vào áp dụng chính thức vì còn chờ sự phê chuẩn của các nước thành viên EU.
Các tác giả của Viện Chính sách Bruegel cho rằng, trên thực tế không có mô hình nào trong 3 mô hình hợp tác hiện tại giữa EU với các nước thứ 3 phù hợp với mong muốn của Anh, và chúng cũng không nằm trong lợi ích lâu dài của EU để duy trì mối liên kết gần gũi nhất có thể với London.
Hai mặt của giải pháp
Như vậy mô hình "Đối tác lục địa" sẽ là phù hợp. Anh sẽ giữ lại được quyền tiếp cận vào thị trường chung duy nhất. Tuy nhiên, sự tiếp cận này không bị yêu cầu ràng buộc với 3 trong số các quyền tự do cơ bản của EU là tự do lưu thông hàng hóa, tự do dịch vụ và tự do dịch chuyển trên thị trường vốn. Anh hoặc những đối tác khác sẽ không cần phải thừa nhận quyền tự do đi lại của công dân EU vào nước họ. Về mặt lý luận, một số người cho rằng mô hình này còn tồn tại khá nhiều mâu thuẫn, từ góc nhìn thuần túy kinh tế, tự do thương mại hàng hóa, dịch vụ và vốn đều có thể xảy ra xung đột lợi ích nếu không gắn với quyền tự do di chuyển của người lao động.
Nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU là vấn đề căng thẳng trong đàm phán Brexit. (Nguồn: Getty Images) |
Về việc đi lại của công dân, EU và Anh đã thống nhất hạn ngạch hàng năm cũng như thời gian giải quyết giấy phép lao động cho công dân của cả 2 phía. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là Anh sẽ phải đóng góp cho ngân sách châu Âu, mà tác giả của nghiên cứu này chưa thể xác định sẽ ở mức nào. Trên cơ sở tham khảo mô hình EEE, Giáo sư André Sapir cho biết quan điểm của nhóm nghiên cứu là sẽ đề xuất cùng lúc 2 mô hình EEE- và EEE+. Nhóm cho rằng EEE- là mô hình theo đó các đối tác không tham dự vào không gian tự do đi lại đối với công dân, còn EEE+ có nghĩa là các nước đối tác được quyền tham gia vào quá trình thiết lập các quyết định.
Nước Anh và các nước khác tham gia vào mô hình "Đối tác lục địa" sẽ có cơ hội tham gia thảo luận về tất cả các dự án luật để điều chỉnh thị trường chung, xây dựng các đề xuất và yêu cầu sửa đổi. Theo mô hình này, EU vẫn sẽ là bên có tiếng nói quyết định cuối cùng. Paul Tucker - đồng tác giả nghiên cứu, trưởng Nhóm tư vấn các nguy cơ hệ thống tại một viện nghiên cứu độc lập của Mỹ cho biết mô hình "Đối tác lục địa" chắc chắn sẽ gây khó chịu cho các nước Pháp và Đức khi vẫn tồn tại ảnh hưởng của nước Anh trong việc xây dựng chính sách về thương mại toàn cầu của EU.
Về phần mình, Giáo sư André Sapir cho rằng, cần nhìn nhận đề xuất của nhóm nghiên cứu như một cách thức để ứng phó với Brexit chứ không phải là phương án về cách thức tổ chức châu Âu. Đã gặt hái được một số thành công, mô hình mở rộng đòi hỏi phải đi đến cùng của vấn đề và cần tìm ra được những điểm mới, một mô hình mới phù hợp hơn.