Ngoại trưởng Yemen Mohammed Al-Hadhrami nêu rõ đây là thực chất là hành động "nối lại hoạt động nổi dậy vũ trang" của lực lượng chống đối ở miền Nam. (Nguồn: AFP) |
Theo hãng tin Anh Reuters, trong phát biểu ngày 26/4 sau khi Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) tuyên bố thành lập các khu vực tự trị của mình, Ngoại trưởng Yemen Mohammed Al-Hadhrami nêu rõ đây là thực chất là hành động "nối lại hoạt động nổi dậy vũ trang" của lực lượng chống đối ở miền Nam và là "sự bác bỏ và rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận Riyadh" mà chính phủ và các lực lượng chống đối đạt được hồi năm ngoái để chấm dứt thế bế tắc. Ông nhấn mạnh STC sẽ phải hứng chịu "các hậu quả nguy hiểm và thảm khốc vì tuyên bố nói trên".
Chính phủ Yemen và chính quyền một số địa phương ở miền Nam gồm Shabwa, Hadhramout và Socotra cùng một số khu vực nhỏ khác đã ra văn bản riêng rẽ bác bỏ tuyên bố của STC.
Trước đó, cùng ngày, các lực lượng tại miền Nam Yemen đã cáo buộc chính phủ không thực hiện những nghĩa vụ của mình và "âm mưu" gây bất ổn miền Nam, đồng thời tuyên tố quyền tự trị ở vùng lãnh thổ này bắt đầu từ giữa đêm 26/4. STC đã triển khai các lực lượng tới thành phố cảng Aden và tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này cũng như các địa phương khác, kiểm soát cảng và sân bay cùng các cơ quan của chính phủ.
Theo giới quan sát, các diễn biến này làm phức tạp thêm cuộc xung đột kéo dài suốt 5 năm qua giữa Chính phủ Yemen với lực lượng phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn, vốn đang kiểm soát nhiều khu vực ở miền Bắc.
Yemen rơi vào nội chiến kể từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Kể từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bạo lực.