📞

Yemen phóng tên lửa “khiêu khích” Saudi Arabia

08:00 | 22/12/2017
Ngày 19/12, Saudi Arabia đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi nhắm vào cung điện của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud phía Nam Riyadh.

Nhiều thông tin cho biết tên lửa Volcano H-2 được sử dụng trong cuộc tấn công lần này cũng có nhiều điểm tương đồng với tên lửa Scud, từng được sử dụng bởi Liên Xô (cũ) và Quân đội Iran.

Đây có thể coi là sự uy hiếp nghiêm trọng nhất của phía Houthi nhằm vào Saudi Arabia kể từ khi chiến sự tại Yemen nổ ra năm 2015. Chỉ trong vòng hơn một tháng, đã có ba quả tên lửa được phóng đi từ phía Yemen, một trong số đó bắn thẳng vào sân bay Abu Dhabi của UAE hồi tháng 11.

Tên lửa đạn đạo của phía Houthi bắn về phía Riyadh bị Saudi Arabia đánh chặn hôm 19/12. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu về vụ việc hôm 19/12, thủ lĩnh phe nổi dậy Abdulmalik al-Huthi khẳng định những tay súng trong phiến quân của ông vô cùng kiên định với mục tiêu của mình và sẽ tiến hành những vụ tấn công tương tự: “Nếu Sana’a tiếp tục là mục tiêu, chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công Riyadh và Abu Dhabi”.

Cùng ngày, Người Phát ngôn của liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu, ông Turki al-Maliki tuyên bố: “Việc các tổ chức khủng bố, bao gồm cả phiến quân Houthi, sở hữu vũ khí đạn đạo do Iran sản xuất, là một mối đe dọa đến an ninh khu vực và quốc tế”. Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman lên án mạnh mẽ vụ tấn công và cho rằng việc Iran cung cấp tên lửa cho phía Houthi là “sự khiêu khích trực tiếp về mặt quân sự” và là lời tuyên chiến với Saudi Arabia.

Phản ứng về sự kiện này, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đã nhận được thông tin về vụ tấn công và sẽ “hợp tác chặt chẽ với Saudi Arabia… nhằm đảm bảo họ có các nguồn lực cần thiết để bảo vệ lãnh thổ khỏi những cuộc tấn công nhắm vào dân thường”.

Trước đó, ngày 14/12, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley cho biết đây là “bằng chứng không thể phủ nhận” rằng tên lửa trong vụ tấn công ở Riyadh được sản xuất tại Iran. Bà chỉ trích hành động của Iran có thể kéo cộng đồng quốc tế “lún sâu hơn vào một xung đột ngày càng lan rộng trong khu vực”.

Hiện chưa có phản ứng chính thức về vụ việc từ phía Iran. Tuy nhiên, nhiều khả năng sau vụ tấn công này, Riyadh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch không kích nhắm vào lực lượng phiến quân tại Yemen.

Thực trạng này làm dấy lên mối quan tâm về tình trạng khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại Sana’a, nhất là sau khi Riyadh gia tăng       tần suất không kích để trả thù cho cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh bị sát hại hôm 4/12. Ngày 19/12, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước con số dân thường thương vong ngày càng tăng. Theo thống kê, hơn 8.750 người đã thiệt mạng kể từ khi Saudi Arabia và đồng minh tham dự vào chiến sự Yemen năm 2015.

Cao Ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein nhận định sự kết hợp giữa bạo lực và phong tỏa của liên quân Saudi đứng đầu nhắm vào các địa điểm mà phiến quân chiếm giữ hồi tháng 11 đã tạo nên “một địa ngục đối với nhiều người dân Yemen”. Có thể nói, nếu như không được ngăn chặn kịp thời, ngọn lửa chiến tranh tại Sana’a sẽ tiếp tục lây lan, đe dọa hòa bình và ổn định của các quốc gia khu vực nói riêng và thế giới nói chung.