Ngày 21/11, tại thủ đô Harare, hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng việc ông Mugabe tuyên bố từ chức sau 37 năm cầm quyền. Cộng đồng quốc tế cũng có nhiều phản ứng tích cực. Thủ tướng Anh Theresa May nhận định việc Tổng thống Mugabe từ chức đã “tạo cơ hội cho Zimbabwe theo đuổi một con đường mới” và cho biết London sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho một cuộc bầu cử công bằng và tự do tại quốc gia châu Phi.
Tổng thống kế nhiệm của Zimbabwe, ông Emerson Mnangagwa. (Nguồn: AP/Getty) |
Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của lực lượng quân đội có thể đẩy Zimbabwe vào một vòng xoáy hỗn loạn mới.
Thật vậy, cả cựu Tổng thống Robert Mugabe và người kế nhiệm - cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, đều là những tướng lĩnh xuất thân từ Liên hiệp Nhân dân châu Phi Zimbabwe (ZAPU) và Liên minh Dân tộc châu Phi Zimbabwe (ZANU), trong cuộc chiến giành độc lập cho quốc gia này vào những năm 1970.
Sau khi đất nước giành được độc lâp vào năm 1980, hai phong trào chính trị là ZAPU và ZANU đã thống trị chính trường và được hợp nhất thành Đảng cầm quyền ZANU-PF vào năm 1987. Với tư cách là người lãnh đạo lực lượng quân đội, ông Mugabe đã được bầu là Tổng thống, còn ông Mnangagwa cũng trở thành một thành viên cốt cán trong Chính phủ trước khi đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống vào năm 2014.
Do đó, không có gì khó hiểu khi suốt 37 năm qua, quân đội Zimbabwe vẫn tiếp tục chi phối gần như mọi hoạt động của quốc gia này. Vào năm 1999, quân đội đã tham gia trấn áp phe đối lập Phong trào vì Đổi thay Dân chủ (MDC). Ngay trước các cuộc bầu cử năm 2002, các sỹ quan quân đội
kỳ cựu cũng cam kết sẽ không phục tùng bất cứ ai ngoài Tổng thống Mugabe. Vào tháng 3/2008, sau khi ông Mugabe thua cuộc tại cuộc bầu cử Tổng thống thì chỉ 3 tháng sau, quân đội nước này đã khởi xướng một chiến dịch giúp ông lấy lại vị thế trong cuộc bầu cử lại sau đó. Tuy nhiên, kết quả này không được cộng đồng quốc tế chấp thuận.
Quan trọng hơn, các quan chức cấp cao quân đội Zimbabwe được dàn trải vào các vị trí quan trọng trong Đảng cầm quyền ZANU-PF. Họ nắm giữ các vị trí bộ trưởng và điều hành nhiều chương trình của nhà nước. Các thành viên đã về hưu trong quân đội được bổ nhiệm thành thẩm phán của Toà án Tối cao. Bên cạnh đó, các thành viên thuộc Đảng cầm quyền hiếm khi bị “hỏi thăm” bởi tòa án. Tầm ảnh hưởng sâu rộng của quân đội trong chính trường Zimbabwe có vẻ như sẽ tiếp tục sau kỷ nguyên Mugabe và là nền tảng cho nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Mnangagwa.
Những người lạc quan hơn thì mong chờ lực lượng quân đội dưới thời ông Mugabe sẽ chuyển giao quyền lực cho phía phe dân sự. Tuy nhiên, ngay cả khi họ đồng ý, Zimbabwe vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn: một thể chế chính trị còn giới hạn và một nền kinh tế kiệt quệ vẫn còn đó.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Mnangagwa có lẽ cần phải liên minh với Đảng đối lập DMC của ông Tsvangirai. Quá trình liên minh này có thể kéo dài cho đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2018. Bên cạnh đó, Zimbabwe cũng cần một sự đầu tư lớn để hồi sinh các ngành công nghiệp, tạo việc làm mới cho hơn 90% số người thất nghiệp tại quốc gia châu Phi này.
Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch này chỉ có thể thành hiện thực nếu như có sự ủng hộ của lực lượng quân đội Zimbabwe. Ông Mugabe có thể đã “xuống đài”, nhưng bộ máy chính trị do ông xây dựng thì vẫn còn đó và sẽ tiếp tục chi phối chính trường quốc gia này trong thời gian tới.