📞

15 triệu người bị đột quỵ trên thế giới mỗi năm

15:44 | 10/06/2016
Ước tính, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới mà ô nhiễm không khí là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này.

Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học của Mỹ, ngày 9/6.

Từ những báo cáo và thống kê khác nhau về nguy cơ đột quỵ do ô nhiễm không khí tại 188 quốc gia (từ năm 1990 đến 2013), trong tổng số 15 triệu người đột quỵ mỗi năm thì có tới 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật như mất khả năng nói, nhìn, liệt người, mất trí…

Khói mù ở thủ đô của Mexico. (Nguồn: Reuters)

Ông Valery Feigin (Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand) cho biết, có một thực tế báo động rằng tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đã và đang gây ra tỷ lệ đột quỵ cao ngoài mức dự đoán, nhất là ở các nước đang phát triển.

Có đến 90,5% tác nhân gây ra đột quỵ như thói quen hút thuốc, lười vận động, ăn quá nhiều đồ ngọt, các bệnh tiểu đường, tim mạch. Rất may, ô nhiễm môi trường cũng là “yếu tố có thể thay đổi” và các quốc gia muốn tiến hành “cuộc chiến” chống căn bệnh đột quỵ thì phải nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% số thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng không khí, chủ yếu ở các nước nghèo. Mức độ ô nhiễm không khí đô thị toàn cầu đã tăng 8% từ tổng hợp dữ liệu của 3.000 thành phố, làng xã và thị trấn của 103 quốc gia từ năm 2008 đến 2013 mà WHO mới tuyên bố gần đây.

Trong đó, Ấn Độ đã đạt được bước tiến khi từ năm 2013 đến 2015, giới chức Ấn Độ cấm xe cũ đi vào thành phố, đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than cũ và phạt nặng hành vi đốt rác, gây ô nhiễm. Thành công của người Ấn Độ là minh chứng cho thấy “kết quả sẽ đến nếu bạn chịu hành động”.

 

(tổng hợp)