Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội.
Hội nghị AMMW được tổ chức 3 năm một lần để các Bộ trưởng phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới của các nước ASEAN thảo luận việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong khu vực và tăng cường quyền năng cho phụ nữ. Trong khuôn khổ các hội nghị Bộ trưởng, các Bộ trưởng/trưởng đoàn sẽ thông qua các khuyến nghị, đề xuất của Ủy ban phụ nữ ASEAN (ACW)-cơ quan giúp việc cho các Bộ trưởng ở cấp quan chức và có những chỉ đạo, định hướng cụ thể cho giai đoạn hợp tác tiếp theo trong kênh phụ nữ ở cấp khu vực và quốc gia.
Họp báo thông tin về Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3. |
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, lễ khai mạc hội nghị AMMW lần thứ 3 sẽ được diễn ra vào ngày 25/10 với tham dự của khoảng 150 đại biểu bao gồm đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng và các quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới đến từ các nước thành viên ASEAN (Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Malaysia; 7 Bộ trưởng và 2 Thứ trưởng), lãnh đạo và đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khu vực có liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em, lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan tại Việt Nam.
Hội nghị AMMW lần thứ 3 năm nay diễn ra trong bối cảnh các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Mặc dù vậy, trong ASEAN hiện nay, nhiều chính sách vẫn còn tồn tại bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới... Vì vậy, tăng cường hơn nữa an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái cần được coi là một trong những ưu tiên cần nhấn mạnh trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về phụ nữ trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động, bị trả công thấp, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Do vậy, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới, kể cả vấn đề các dịch vụ xã hội dành cho đối tượng đặc thù như nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn bán người. Cùng với đó, bối cảnh tốc độ già hóa dân số khu vực ngày càng nhanh, với số lượng phụ nữ sống thọ hơn nam giới, phụ nữ già cô đơn không nơi nương tựa cần sự trợ giúp, những vấn đề về an sinh xã hội cho phụ nữ cao tuổi, cũng là những nội dung được các nước thành viên ASEAN chú trọng.
Trước những mối quan tâm của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng liên quan đến việc tăng cường và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, chủ đề “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025”do Việt Nam đề xuất được các nước ủng hộ và đánh giá cao.Theo đó, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng sẽ trao đổi các giải pháp ở tầm khu vực và quốc gia vềtăng cường và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm hiện thực hoá Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội. Theo dự kiến, Hội nghị sẽ ra Tuyên bố chung để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 ghi nhận vào cuối năm 2018.
Trước thềm Hội nghị AMMW lần thứ 3 sẽ diễn ra Hội nghị của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) lần thứ 17 và Hội nghị Ủy ban Phụ nữ ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Một loạt các cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ và thúc đẩy quyền của Phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) cùng các đối tác về tăng cường quyền năng kinh tế, nâng cao nhận thức giới trong truyền thông... cũng sẽ được tổ chức trong dịp này.