Giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái lần thứ 3 tại Hà Nội. (Nguồn: UNFPA) |
Sự kiện này được tổ chức nhằm hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 ngày Hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Hướng tới 30 năm Tuyên bố và cương lĩnh hành động Bắc Kinh: Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” và Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.
Giải chạy là minh chứng cho cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tiếp nối thành công của hai năm trước, giải chạy được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Chính phủ Australia. Giải chạy hướng tới một thế giới hạnh phúc, không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, những người chịu nhiều ảnh hưởng bởi bạo lực trên cơ sở giới, thông qua một hoạt động thể thao được nhiều người yêu thích và dễ tiếp cận.
Sự kiện năm nay đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (Tổ chức vì sự đa dạng giới và tính dục Na Uy), các đại sứ quán (Đại sứ quán Thụy Sỹ), các tổ chức thuộc khu vực tư nhân (Movenpick Hotel Hanoi Centre, công ty ON) và chính những người chạy, nhấn mạnh quyết tâm đoàn kết để giải quyết vấn đề cấp bách về bạo lực trên cơ sở giới.
Bày tỏ vui mừng về thành công của sự kiện, Trưởng Đại diện UNFPA Matt Jackson nói: “Số người tham gia và hưởng ứng giải chạy ngày hôm nay là minh chứng cho thấy sức mạnh của cộng đồng, tái khẳng định bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ không được dung thứ. Cùng nhau, chúng ta đang kiến tạo một tương lai nơi mỗi chúng ta có thể sống hạnh phúc mà không e sợ bạo lực. Những nỗ lực trong việc tham gia giải chạy hôm nay đã đưa chúng ta đến gần hơn mục tiêu đó và chúng ta chắc chắn sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được điều đó".
Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh chia sẻ: “Tham gia sự kiện hôm nay, chúng ta ủng hộ cho một Việt Nam hoà bình, thịnh vượng, nói không với bạo lực giới. Chúng ta có thể thuộc số ít, chúng ta có thể thuộc số đông, khi đã bên nhau và cùng nhau vì những điều tốt đẹp, tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sự thay đổi tích cực. Chúng ta tôn vinh vẻ đẹp của sự đa dạng, tôn trọng hạnh phúc của các cá nhân, của các cặp đôi, các gia đình, vì một Việt Nam không có bạo lực giới"
Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Cherie Russell đề cao ý nghĩa giải chạy trong bài phát biểu: “Australia tự hào hỗ trợ các sáng kiến như giải chạy năm nay, giúp làm sáng tỏ những thách thức đang diễn ra do bạo lực trên cơ sở giới. Năng lượng và sự quyết tâm mà mọi người thể hiện ngày hôm nay truyền cảm hứng, tái khẳng định cam kết chung của chúng ta để đảm bảo rằng không có phụ nữ hay trẻ em nào phải sống trong sợ hãi bạo lực".
Sự kiện năm nay đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (Tổ chức Vì sự đa dạng giới và tính dục Na Uy), các đại sứ quán (Đại sứ quán Thụy Sỹ), các tổ chức thuộc khu vực tư nhân (Movenpick Hotel Hanoi Centre, công ty ON) và chính những người chạy. (Nguồn: UNFPA) |
Hơn 2.000 người tham gia sự kiện, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và đại diện cộng đồng LGBTQI+, những người khuyết tật, thể hiện tinh thần hòa nhập và tính toàn diện của phong trào chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những người chạy đã lựa chọn giữa hai chặng với tên gọi chặng “Yêu Thương” (2,5km) và chặng “Đồng Hành” (5km), nêu bật sự đoàn kết và thông điệp chung về việc tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời phá vỡ sự im lặng để chấm dứt bạo lực trong giải chạy quan trọng này.
Không chỉ là một giải chạy thông thường, sự kiện đã trở thành “Ngày hội của tình yêu và hạnh phúc”, mang đến cơ hội tuyệt vời cho những người tham gia. Các hoạt động nâng cao nhận thức đã được tổ chức xuyên suốt sự kiện, cung cấp cho người tham gia những kiến thức và hành động để chống lại bạo lực trên cơ sở giới. Sự kiện cũng nêu bật tiếng nói của người bị bạo lực và những người ủng hộ, thúc đẩy một cuộc đối thoại mạnh mẽ về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ người bị bạo lực.
Đại diện cho tiếng nói của 200 người khuyết tật tham gia giải chạy, chị Mai, 20 tuổi, chia sẻ: “Là một phụ nữ khuyết tật, em thường cảm thấy mình không được quan tâm hay thường bị ngó lơ. Nhưng hôm nay, được bao quanh bởi sự đoàn kết của mọi người vì một mục tiêu ý nghĩa khiến em cảm thấy được trao quyền và hòa nhập. Việc sát cánh trong giải chạy cùng những người khác có cùng quyết tâm tạo ra một thế giới an toàn hơn, bình đẳng hơn là điều vô cùng đặc biệt. Đó là lời nhắc nhở rằng tiếng nói của chúng ta dù khác biệt đến đâu cũng rất mạnh mẽ khi cùng nhau đấu tranh cho một sứ mệnh. Em tự hào khi được ở đây, cho thấy rằng mọi người đều có vai trò trong việc chấm dứt bạo lực và xây dựng một tương lai tôn trọng và bình đẳng.”
Tiếp nối thành công của các sự kiện năm 2022 và 2023, Giải chạy năm nay đã củng cố thêm vai trò như một sáng kiến tiên phong nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Khi những người tham gia giải chạy về đích ngày hôm nay, họ không chỉ mang theo mình huy chương – họ còn mang theo hy vọng của một quốc gia đang đấu tranh cho sự tôn trọng và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Hơn 2.000 người tham gia sự kiện, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và đại diện cộng đồng LGBTQI+, những người khuyết tật, thể hiện tinh thần hòa nhập và tính toàn diện của phong trào chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. (Nguồn: UNFPA) |
| Triển lãm ảnh nhấn mạnh vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực trên cơ sở giới Ngày 27/11, Bộ Công an và UN Women khai mạc Triển lãm ảnh và tuyên truyền pháp luật nhân tháng hành động về bình đẳng ... |
| Báo động tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ Ngày 29/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ nhiễm HIV mới đáng báo động ở trẻ ... |
| Hành trình mang 'Giáo dục hạnh phúc' tới cho trẻ em Việt Nam Những năm gần đây, hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia Phần Lan và Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt là ... |
| Australia: Động thái cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của trẻ em Thượng viện Australia thông qua luật đầu tiên trên thế giới về việc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, có ... |
| Hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam Ngày 6/12, Chính phủ Australia cùng các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam ... |