Nhỏ Bình thường Lớn

2008 - Những cái quên & Dự báo sai

Foreign Policy đã liệt kê những sự kiện bị báo chí lỡ "quên" một số phỏng đoán "nhầm lẫn" trong năm 2008
Nửa đầu năm 2008, 21.000 lính Mỹ đã tới Afghanistan.

Những sự kiện bị báo chí “quên”

 

1. Thêm binh sĩ đã tới Afghanistan

 

Cùng với kế hoạch giảm quân tại Iraq, Tổng thống đắc cử Barack Obama cam kết sau khi nhậm chức sẽ tăng đáng kể sự có mặt của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, trên thực tế, quân số Mỹ ở Afghanistan đã và đang tăng. Trong nửa đầu năm 2008, chính quyền Bush đã tăng thêm 21.000 quân tại Afghanistan (chiếm 85% lực lượng Mỹ), chủ yếu là lực lượng không quân và lính thủy đánh bộ. Ngay cả các nước thành viên NATO vốn lưỡng lự với kế hoạch tăng quân cũng đã cam kết gửi thêm vài nghìn binh sĩ tới Afghanistan.

 

2. Mỹ giúp Ấn Độ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa

 

Việc Nga phản đối Mỹ lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu gây khá nhiều ồn ào. Nhưng người ta đã không chú ý tới sự kiện khác quan trọng không kém. Ngày 27/2, sau hai ngày thảo luận tại New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lặng lẽ tuyên bố về việc Mỹ và Ấn Độ đàm phán việc phát triển một chương trình phòng thủ tên lửa trên đất Ấn Độ. Mặc dù mới chỉ ở bước đầu, sự việc có thể trở thành chủ đề tranh cãi giữa các nước lớn trong nhiều thập kỷ tới. Kế hoạch sẽ làm Bắc Kinh lo ngại việc Mỹ đang cố ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, một lá chắn tên lửa tại Ấn Độ cũng sẽ làm dấy lên cuộc khủng hoảng mới giữa Ấn Độ và Pakistan. 

 

3. Nga lặng lẽ tiến vào châu Phi

 

Các chuyến phiêu lưu gần đây của Trung Quốc tại châu Phi đã được báo chí đề cập khá nhiều. Nhưng tại khu vực này cần chú ý thêm một đối tác khác. Đó là Nga, với nỗ lực tiến vào châu Phi qua các thỏa thuận về dầu khí. Hồi tháng 9, Công ty Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận về dầu với Nigeria, nước có nguồn cung khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Gazprom còn tài trợ cho Tây Phi xây dựng tuyến đường dẫn dầu xuyên Sahara dài hơn 4.000 km tới châu Âu; hỗ trợ dự án xây đường ống dẫn khí từ Libya xuyên Địa Trung Hải. Các thỏa thuận giữa Nga với Algeria, Angola, Ai Cập và Bờ Biển Ngà trị giá 3,5 tỷ USD dự kiến được thực hiện vào năm 2010. Nếu được thực hiện, Nga sẽ có quyền kiểm soát hoàn toàn nguồn cung dầu khí của châu Phi tới châu Âu. Hoãn khoản nợ 20 tỷ USD, Nga mới đây tuyên bố gói viện trợ 500 triệu USD cho châu Phi không kèm điều kiện.

 

4. Thêm một Darfur tại Sudan

 

Cuộc xung đột tại Darfur khiến nhiều người chú ý. Nhưng một cuộc khủng hoảng khác tại Sudan cũng đang có nguy cơ trở thành thảm họa nhân đạo mới nhất ở nước này. Đó là bất ổn tại Nam Kordofan, một bang được thành lập năm 2005 quanh khu núi Nuba, nằm phía Bắc khu tự trị. Lực lượng Chính phủ trung ương, lực lượng Nam Sudan và các nhóm địa phương đang thu thập vũ khí và tuyển mộ binh sĩ với hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương vào năm tới. Theo báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu (ICG) hồi tháng 10, hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa các phe phái trong vài năm qua.

 

5. Sử dụng năng lượng mặt trời gây hiệu ứng nhà kính?

 

Nếu bạn nghĩ rằng năng lượng mặt trời là năng lượng “sạch”, hãy nghĩ lại. Việc sản xuất các máy móc có thể chạy bằng năng lượng mặt trời đã sản sinh ra một lượng khí mạnh gấp 17.000 lần khí C02 vốn gây sự ấm lên toàn cầu. Khí NF3 được sử dụng để lau chùi các mạch nhỏ trong khi sản xuất thiết bị điện tử hiện đại như TV màn hình phẳng, iPhones, chip máy tính... Giới công nghiệp tuyên bố chỉ 2% của lượng khí NF3 này bị thải vào không khí, nên NF3 từng được xem là lựa chọn “sạch” hơn so với các loại khí thải khác. Tuy nhiên, trên thực tế, “NF3 có thể gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn cả một nhà máy năng lượng chạy bằng than lớn nhất thế giới”, theo một nghiên cứu tháng 6/2008 của ĐH California (Mỹ).

 

Và một số phỏng đoán tồi tệ nhất

 

1. “Nếu bà Hillary Clinton tham gia cuộc đua cùng ông John Edwards và ông Barack Obama, bà sẽ là ứng cử viên chính thức. Đối thủ duy nhất của bà là ông Al Gore, và ông Barack Obama sẽ không đánh bại được bà Hillary trong Đại hội của đảng Dân chủ” - Fox News ngày 17/12/2006. Thực tế đã xảy ra ngược lại, khi ông Obama chính thức được đề cử làm đại diện của đảng Dân chủ ngay tại Đại hội của Đảng này.

 

2. “Ai nói chúng ta đang suy thoái, hay đang tiến đến sự suy thoái, đặc biệt là suy thoái tồi tệ nhất từ cuộc Đại suy thoái 1930 - đang tự đưa ra khái niệm “suy thoái” của chính mình”, The Washington Post ngày 14/9/2008. Ngay ngày sau, Lehman Brothers đăng ký phá sản, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 

3. “Bắt đầu là việc chiếm Nam Ossetia và Abkhazia. Sau đó là việc phá tan lực lượng vũ trang Gruzia. Tiếp theo, việc thay thế một chính phủ được bầu cử thân phương Tây bằng một chính phủ bù nhìn, sẽ xảy ra trong hai, ba tuần nữa” - Fox News ngày 11/8/2008. Tác giả bài viết sau khi dự đoán các hành động trên của Nga còn cho rằng Ukraine sẽ nằm trong trong “danh sách tấn công” tiếp theo của Nga và rằng Mỹ sẽ gửi quân đến. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã đồng ý ngừng bắn và rút quân, và Chính phủ của Tổng thống Saakashvili không thay đổi.

 

4. “Trên thực tế, nguy cơ đối với việc vận chuyển dầu trên biển là ít hơn rất nhiều so với dự tính. Thứ nhất, những thùng dầu ít bị hỏng hóc hơn các loại vỏ hàng hóa khác. Thứ hai, các cuộc xung đột khu vực ít ảnh hưởng đến việc vận chuyển nói chung..” - Foreign Affairs tháng 5, 6/2007. Tuy nhiên, ngày 15/11/2008, một nhóm cướp biển Somali đã tấn công chiếc tàu chở 2 triệu thùng dầu trên Ấn Độ Dương. Năm qua, cướp biển hoạt động trên tuyến đường biển này đã tấn công hơn 50 chiếc tàu, tăng từ 13 chiếc của năm ngoái.

 

5. “Khả năng giá dầu từ 150-200 USD/thùng có vẻ sẽ kéo dài từ 6-24 tháng nữa”, theo Arjun Murti, nhà phân tích dầu mỏ của tập đoàn Goldman Sachs trong báo cáo ngày 5/5/2008. Tuy nhiên, “lời sấm” này đã sai khi giá dầu sau khi đạt đỉnh hồi tháng 7 lên gần 150 USD/thùng đã bắt đầu giảm. Hiện chỉ xấp xỉ 40 USD/thùng.


Kim Chung (Theo Foreign Policy)