📞

2017 - nhiều áp lực từ thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam

13:00 | 11/02/2017
Việt Nam đã bước vào năm 2017 với tâm thế tiếp tục nỗ lực đổi mới và hành động thiết thực để bứt phá. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngoài những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ  ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.

Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2016, VEPR cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, động thái này ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là USD lên giá.

Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với đồng USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền khác. Điều này có thể tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2017.

(Nguồn: Giaoduc.net.vn)

Ngoài ra, khi đồng USD tăng giá, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị tiền đồng và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá có thể giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến. Điều này có thể gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản vốn đã đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương, do đó lan sang hệ thống ngân hàng.

VEPR còn cho rằng, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận  cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù, điều này là có lợi cho cán cân ngân sách, nhưng việc giá dầu thô và năng lượng tăng trở lại có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước, vốn đã bị đẩy lên trong thời gian gần đây do việc điều chỉnh giá các nhóm dịch vụ công.

Hơn nữa, “việc Mỹ rút khỏi TPP có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Sự kiện này có khả năng gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi phải cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam”, theo VEPR.

VEPR nhận định, dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đang đặt ra là một ngưỡng cao.