Hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thời cơ để ngành bán dẫn tại Việt Nam phát triển và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới đã đến! |
Ngành công nghiệp bán dẫn đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, đã dần trở thành ngành công nghiệp then chốt, định hình tương lai của Việt Nam và thế giới. Cụ thể, ngày 21/9/2024, Chính phủ chính thức ban hành "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" và phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu. Ông Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia vi mạch bán dẫn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. Hồ Chí Minh đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam xoay quanh vấn đề này. |
Bán dẫn đang là một trong những ngành công nghiệp phát triển rất “nóng” trên thế giới? Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia cũng có những định hướng và chiến lược cho ngành này. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu này? Theo các báo cáo từ Công ty cung cấp dịch vụ KPMG, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện đang trải qua một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19. Điều này diễn ra nhờ động lực từ làn song bùng nỗ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, xe tự hành, tự động hóa và các ứng dụng kỹ thuật số. Các sản phầm bán dẫn được xem là đầu vào của các ngành tự động hóa, điện tử, tin học và xe hơi tiên tiến. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn đang phát triển nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ và đầu tư nước ngoài. Dự kiến, thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ đạt hơn 8-10 tỷ USD trong vài năm tới, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình là khoảng 6.8% từ năm 2023 đến 2030. Tỷ lệ này tương đương với mức tăng trưởng trung bình của ngành bán dẫn toàn cầu trong 5 năm tới, khoảng 7.1%. Việt Nam cũng đang hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn tự chủ và bền vững, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu hàng đầu trong khu vực. |
|
Có thể rõ ràng nhận thấy, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một yếu tố chiến lược trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Đúng như bạn nói, các quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Malaysia đã có những chiến lược tập trung và đột phá để phát triển ngành này. Tuy nhiên, thay vì chú trọng vấn đề cạnh tranh, theo cá nhân tôi, các nước Đông Nam Á nên đặt trọng tâm vào việc hợp tác cùng phát triển. Để Việt Nam có thể hợp tác và tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn, chúng ta cần tập trung vào một số chiến lược chính sau: Thứ nhất, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Malaysia đã thiết lập các khu công nghệ cao và cung cấp các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp công nghệ. Tương tự, các nước có nền công nghiệp bán dẫn phát triễn vẫn tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các dự án mới có tính đột phá về công nghệ hoặc nâng cao năng lực tự chủ. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia và doanh nghiệp quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến và thị trường toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. Việt Nam nên đặt mục tiêu cụ thể về số lượng và chất lượng trong các quan hệ quốc tế. Đơn cử như thu hút được 20 trên tổng số 100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới đặt văn phòng thiết kế, nhà máy và kho vận tại Việt Nam. Thứ ba, đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển một lực lượng lao động có trình độ cao thông qua các chương trình đào tạo và hợp tác với các đối tác công tư. Việc đầu tư cho giáo dục nên có chọn lọc dựa vào năng lực nghiên cứu và nhu cầu nhân lực thực tế, dĩ nhiên là không cào bằng giữa các địa phương có thế mạnh và các địa phương được quy hoạch mới. Thứ tư, khuyến khích và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, đặc biệt có đột khá trong việc tổ chức công nhận tài sản số, bản quyền số. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp đưa các nghiên cứu từ trường đại học ra ứng dụng. Singapore và Indonesia đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ và thiết lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ các thủ tục nhập cảnh và ưu dãi thuế chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ các dự án khởi nghiệp. Việc có nhiều các công ty khởi nghiệp cũng sẽ giúp giải bài toán đầu ra cho 50.000 nhân lực được đào tạo đến 2030 - như đề án của Chính phủ. Thứ năm, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Điều này bao gồm việc tiêu chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, điện, nước, phòng sạch, vận chuyển và bảo quản hóa chất đặc biệt dùng trong sản xuất bán dẫn, cuối cùng là công nghệ khai thác và tinh chế đất hiếm. Việc xây dựng các nhà máy sản xuất hiện đại và các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế cần có chiến lược với tầm nhìn hàng chục năm, đặc biệt nhà nước cần có cơ chế chấp nhận rủi ro cho việc đầu tư số vốn lớn. |
|
Với cương vị là chuyên gia vi mạch bán dẫn, ông nhận định thế nào về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam? Đất nước có những lợi thế gì để phát triển ngành này? Tôi tin rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn và giờ là cơ hội “nghìn năm có một” để Việt Nam tiến lên. Việt Nam sở hữu đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển ngành này. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ bán dẫn giữa Trung Quốc và Mỹ đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của một chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn ổn định và phát triển. Sự bùng nổ về các ứng dụng và các sản phầm AI và nhu cầu ngày càng tăng các sản phẩm phục vụ số hóa, tự động hóa đã tạo nên một thời cơ tốt cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, là cầu nối giữa các thị trường lớn trong khu vực. Đặc biệt, đất nước hiện đang có 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu với chi phí tối ưu cho chuỗi cung ứng bán dẫn trong khu vực. Song song với đó, thị trường nội địa tiềm năng, với dân số hơn 100 triệu người - đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu về các sản phẩm công nghệ cao – cũng là một điểm cộng của Việt Nam. Về nguồn lao động, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ và năng động, sáng tạo được đào tạo bài bản trong nước cùng với rất nhiều tri thức Việt Kiều thành danh và thành công trong ngành vi mạch quốc tế. Lực lượng này là nguồn lực quý báu cho ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn. So với các quốc gia phát triển trong khu vực, chi phí lao động tại Việt Nam hiện khá cạnh tranh với hiệu suất đầu tư tốt, điều kiện an ninh và kinh tế hiện rất thuận lợi để nâng dần phần giá trị gia tăng của lao động tại Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và nhân tài công nghệ. Tóm lại, tiềm năng của Việt Nam vô cùng lớn. Để hiện thực hóa tiềm năng, chúng ta cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh. Với những định hướng và chính sách đúng đắn như Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 mới được Chính phủ ban hành, tôi tin chắc rằng, đất nước sẽ sớm trở thành một trong những mắc xích quan trọng trong chuổi cung ứng công nghiệp bán dẫn. |
Bên cạnh những cơ hội, đâu là những thách thức mà Việt nam cần phải vượt qua để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn, thưa ông? Không thể phủ nhận, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn. Cụ thể như: Cả nước ước tính hiện có khoảng 10.000 nhân lực đang làm việc tại các doanh nghiệp thiết kế, đóng gói và kiểm thử bán dẫn vi mạch. Vấn đề của Việt Nam là đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong ngành bán dẫn, đặc biệt là nhân lực phục vụ các công đoạn sản xuất chất bán dẫn; nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm vận hành; sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng hóa chất, vật tư và máy móc nhà máy FAB (nhà máy sản xuất bán dẫn).
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo tại các trường Đại học và hệ thống các phòng thực hành, phòng lab phục vụ nghiên cứu chưa được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, các nhân lực chưa có nhiều cơ hội cọ xát với thiết kế thực trong công nghiệp và các cơ chế ưu đãi để thu hút và bồi dưỡng giảng viên cũng chưa được thực hiện liên tục, chưa đủ sức cạnh tranh. Không chỉ thế, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi các thiết bị và công nghệ tiên tiến, hệ thống phòng sạch và về hóa chất cũng có những tiêu chuẩn mức rất cao. Nhưng hiện tại, phần lớn các thiết bị, hóa chất và công nghệ này phải nhập khẩu với chi phí cao. Chúng ta cũng chưa thiết lập các mối quan hệ tốt với các đối tác để có thể nhập khẩu các thành phần này. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng theo tôi, cần có thêm các quy định cụ thể và rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán dẫn. Các thủ tục hành chính cần được cải cách để giảm bớt sự phức tạp và tốn kém thời gian cho doanh nghiệp. Các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành vi mạch đặc biệt khâu sản xuất cần phải phát triển dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Cần làm gì để vượt qua những thách thức nói trên và tiến thẳng vào đường đua bán dẫn toàn cầu, thưa ông? Để vượt qua những thách thức đã nêu và tiến vào đường đua bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần thực hiện một chiến lược toàn diện, bao gồm các bước cụ thể sau: Một là, cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thiết kế và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật điện tử, vi điện tử, và công nghệ bán dẫn. Chính phủ cũng nên khuyến khích các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo. Hai là, đầu tư có trọng điểm vào các khu công nghệ cao hiện có, xây dựng các nhà máy sản xuất hiện đại và các phòng thí nghiệm dùng chung tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế và hỗ trợ khởi nghiệp. Ba là, Chính phủ hiện ban hành các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và giảm thiểu thủ tục hành chính để thu hút đầu tư công nghệ cao. Các khu công nghiệp phụ trợ và khu công nghệ cao cần có các chính sách đặc thù và có quyền quyết định cao hơn để chủ động tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ. Bốn là, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu, khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và phát triển sản phẩm mới với mức độ rủi ro cao hơn khi sử dụng ngân sách. Theo quan sát của cá nhân, có quá nhiều mục tiêu trong chiến lược quốc gia và các mục tiêu này khá thử thách. Nên chăng, cần tập trung nhóm các sản phẩm và công đoạn theo từng thời kì để phát triển các đề xuất hỗ trợ thích hợp. Đặc biệt hạn chế dùng các khẩu hiệu “đi tắt đón đầu” khi xây dựng đề án phát triển công nghệ cao. |
|
Vấn đề nguồn nhân lực của ngành cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm trong thời gian qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Ông đánh giá và kỳ vọng thế nào về con số mục tiêu này? Và Việt Nam cần làm gì để đạt mục tiêu? Cá nhân tôi nhận thấy, mục tiêu 50.000 nhân lực có trình độ từ Đại học trở lên trong ngành bán dẫn đến năm 2030 là một tham vọng nhưng cũng có tính khả thi. Theo thông tin từ các cuộc khảo sát doanh nghiệp hoạt động trong ngành và trao đổi với các đối tác quốc tế, cá nhân tôi nhận thấy, một điểm chung là các doanh nghiệp rất ngại tuyển kỹ sư trẻ mới ra trường, tốn nhiều chi phí đào tạo tại doanh nghiệp rồi sau đó nỗ lực giữ chân nhân lực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, nước ta cần tập trung vào một số hành động dưới đây.
Các trường đại học và cao đẳng cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật bán dẫn, vi điện tử và công nghệ bán dẫn. Tổ chức truyền thông đúng đắn để nâng cao nhận thức của học sinh về các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Việc này sẽ giúp có thêm sinh viên đầu vào chất lượng cho các chương trình. Bên cạnh đào tạo lý thuyết theo chuẩn chung của quốc tế, cần chú trọng đến việc đào tạo nghề và thực hành tại các doanh nghiệp và nhà máy sản xuất bán dẫn. Các chương trình thực tập, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và nắm vững kỹ năng cần thiết sau này. Chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Các sinh viên và nhà nghiên cứu cần được khuyến khích tham gia vào các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển), thông qua các chương trình học bổng, tài trợ nghiên cứu và các giải thưởng khoa học. Đặc biệt, tạo cơ chế mới cho việc chia sẽ lợi ích từ thành quả nghiên cứu từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ trường, viện ra các doanh nghiệp. Các chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực quốc tế sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mở rộng mạng lưới hợp tác. Việc tạo cơ chế thu hút chuyên gia, giáo sư đầu ngành về giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam sẽ là chìa khóa cho việc hợp tác này. Ngoài ra, cần nhắc lại đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phòng lab tiêu chuẩn sẽ giúp ích cho chất lượng đào tạo. Để giải quyết vấn đề đầu ra, chúng ta có thể thực hiện các cơ chế hỗ trợ một phần chi phí tuyển dụng và đào tạo nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp. Ví dụ, mỗi công ty khởi nghiệp được hỗ trợ chi phí lương trong 1 năm đầu cho 10 kỹ sư mới ra trường; các doanh nghiệp đang hoạt động thì số lượng có thể tính theo % tương ứng. |
|
Thời gian qua, các "ông lớn" bán dẫn như ON Semiconductor, Synopsys, Marvell, ASE Group... đang đầu tư vào Việt Nam. Nhìn từ yếu tố bên ngoài, theo ông, Việt Nam cần làm những gì để tận dụng lợi thế, thu hút thêm nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trở thành quốc gia mạnh về bán dẫn, một "cứ điểm" cho nguồn cung bán dẫn toàn cầu? Để trở thành một “cứ điểm” trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn, khái niệm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đóng vai trò quan trọng. Với sự hội tụ của ba yếu tố này, ngành bán dẫn tại Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để phát triển và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới. Thiên thời, tức là thời cơ thuận lợi, được thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán dẫn toàn cầu. Theo báo cáo của nền tảng trực tuyến Statista, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 1000 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6-7%. Sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến như xe tự hành, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G, Internet vạn vật (IoT) và số hóa đã tạo ra nhu cầu lớn về các sản phẩm bán dẫn. Việt Nam - với vai trò là một trong những quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển nhanh và có nhiều nhà máy sử dụng các sản phẩm đầu cuối, sẽ có cơ hội rất đáng kể. Địa lợi, tức là lợi thế địa lý. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực, gần các thị trường lớn như Trung Quốc, có mối quan hệ tốt với các cường quốc về công nghiệp bán dẫn như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây là Mỹ. Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam như Samsung, Intel, LG và các trung tâm thiết kế tầm cở thế giới tại Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp điện tử và bán dẫn mạnh mẽ. Việc quảng bá các yếu tố trên kết hợp với việc thực hiện chiến lược quốc gia một cách bài bản, có tầm nhìn và mục tiêu cụ thể sẽ giúp tận dụng lợi thế này. Ngoài ra, chúng ta có sử dụng trữ lượng đất hiếm (đứng thứ hai thế giới) như một điều kiện trao đổi và hợp tác đầu tư công nghệ. Nhân hòa, tức là nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh thuận lợi, là yếu tố then chốt cho sự phát triển ngành bán dẫn. Chúng ta cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, từ việc giảm thuế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các thủ tục và hướng dẫn này cần phải rõ ràng, minh bạch và thuận tiện để áp dụng hơn.
Đề xuất của ông để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển hiệu quả và thành công? Theo tôi, Việt Nam cần chú trọng những vấn đề sau: Thứ nhất, thành lập ban kỹ thuật, nhóm chuyên gia để nghiên cứu và tư vấn chiến lược. Tổ chức các chuyến làm việc thực địa với các đối tác quốc tế để khảo sát và tìm hiểu quá trình thực hiện các chiến lược phát triên công nghiệp Vi mạch bán dẫn. Đẩy mạnh truyền thông và ngoại giao bán dẫn ngay ở giai đoạn lập kế hoạch và chiến lược để thu hút đầu tư và chú ý của các đối tác và doanh nghiệp lớn. Thứ hai, đẩy nhanh việc thành lập Hiệp hội vi mạch bán dẫn Việt Nam, có thể xem xét nâng cấp Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh hoặc thành lập mới, sau đó kết nạp các chi hội các tỉnh thành. Hiệp hội nên là một tổ chức phi lợi nhuận, không trực thuộc đơn vị hành chính nhà nước hay chịu sự quản lý chính phủ, tuy nhiên vẫn cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ xa để thống nhất các kế hoạch, phản biện và góp ý cho các chính sách phát triển quốc gia khi cần. Thứ ba, xúc tiến ngay các ưu đãi đầu tư về thuế, hải quan, thủ tục hành chính, … Có thể xem xét hỗ trợ, ưu đãi thuế, đặc biệt là hỗ trợ một phần chi phí đầu tư theo các cơ chế đặc biệt mà các nước đang áp dụng. Ưu tiên và ưu đãi cao nhất cho các đầu tư có chuyển giao công nghệ hoặc có phần giá trị gia tăng lớn nhất. Cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho khoản đầu tư mới dành cho công nghiệp phụ trợ nên được xem xét và cân nhắc trong ngắn hạn. Việc tự đầu tư cho công nghiệp phụ trợ cho sản xuất chất bán dẫn với số vốn lớn và với điệu kiện hiện tại về kinh nghiệm, khả năng công nghệ tại Việt Nam sẽ rất khó thành công. Thứ tư, thực hiện các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho chuyên gia trong và ngoài nước với lộ trình và thủ tục minh bạch rõ ràng. Gỡ bỏ quy định nộp thuế TNCN cho các chuyên gia quốc tế đến làm việc dài hạn tại Việt Nam. Thứ năm, thành lập cơ chế một cửa Quốc gia đặc biệt cho công nghiệp vi mạch trong ít nhất 5 năm, nên có các đơn vị thực hiện trực tiếp, trực thuộc Văn phòng Chính Phủ, hoặc phân cấp, phân quyền theo cơ chế mới cho các địa phương (các khu công nghệ cao) đang có thế mạnh có thể tự quyết, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương đang có thế mạnh cần được đầu tư nhiều hơn hoặc được ưu tiên cho các thử nghiệm mới và ý tưởng đột phá, các địa phương đi sau thì thu hút đầu tư có chọn lọc theo đúng quy hoạch phát triển quốc gia về công nghiệp và công nghệ. Riêng về việc xem xét xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn tại Việt Nam, tôi đề xuất, xem xét đầu tư thí điểm cho công nghệ Minimal-Fab (công nghệ chế tạo vi mạch) để học tập và thực nghiệm về chuỗi cung ứng. Việc này sẽ giúp chúng ta làm quen với chuỗi cung ứng, giúp đào tạo nhân lực trong khâu sản xuất và có thể rút kinh nghiệm thực tế khi xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia trong sản xuất vi mạch - cần rất nhiều thời gian. Đặc biệt, công nghệ chế tạo Mininal-Fab chỉ yêu cầu số vốn tương đối ít; có thể dùng lại cho nghiên cứu, hoặc tiếp tục dùng cho sản xuất các sản phẩm đặc thù (tùy biến cao – sản lượng thấp) và có thể sử dụng cho quốc phòng, an ninh sau này. Cuối cùng, theo tôi, việc tự chủ công nghệ thì cần phải có lộ trình rõ ràng, có tính khả thi với ý chí chính trị và quyết tâm cao nhất. Xin cảm ơn ông! Thực hiện: Linh Chi | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh: NVCC, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VGP, Vnxpress… |