Back to E-magazine
e magazine
06:58 | 29/01/2025
Trên hành trình tham gia mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu (Kỳ IV): Thành phố Sơn La – Phía sau một danh hiệu

06:58 | 29/01/2025

Ngày 14/2/2024, Sơn La - thành phố miền núi phía Bắc Việt Nam - chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu. Tin vui đến vào những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, mang lại niềm tự hào cho Việt Nam nhưng cũng khiến không ít người đặt ra câu hỏi. Sơn La, một địa phương còn nhiều thách thức về kinh tế và giáo dục, đã làm thế nào để giành được danh hiệu cao quý này?
Trên hành trình tham gia mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu (Kỳ IV): Thành phố Sơn La – Phía sau một danh hiệu

Ngày 14/2/2024, Sơn La - thành phố miền núi phía Bắc Việt Nam - chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu. Tin vui đến vào những ngày đầu Năm mới Giáp Thìn, mang lại niềm tự hào cho Việt Nam nhưng cũng khiến không ít người đặt câu hỏi: Sơn La, một địa phương còn nhiều thách thức về kinh tế và giáo dục, đã làm thế nào để giành được danh hiệu cao quý này?

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Một buổi chiều cuối tháng 6, cơn mưa rừng Tây Bắc phủ mịt mùng con đường dẫn đến Sơn La. Tôi lên đường đến với thành phố vùng cao này vì một câu nói:

"Dù chỉ có 0,01% cơ hội, Sơn La vẫn sẽ cố gắng hết sức, quyết tâm đến cùng!".

Đó là lời khẳng định đầy quyết tâm của PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, người vượt hơn 300km đường đèo núi gặp tôi tại Hà Nội. Khi ấy, thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ gia nhập mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO chỉ còn vỏn vẹn 10 ngày, nhưng trong ánh mắt của ông không hề có sự do dự.

Chuyến xe đưa tôi tới Sơn La khởi hành từ Hà Nội lúc hai giờ chiều, khi trời bắt đầu đổ mưa. Đến đèo Thung Khe (Đá Trắng), mưa trút xuống xối xả tạo thành một bức màn dày đặc khiến tầm nhìn mờ mịt. Một bên là vách đá, một bên là vực sâu, tôi im lặng ngắm Tây Bắc giữa màn mưa bủa vây. Sơn La đón tôi trong màn đêm, nhưng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên, chúng tôi đã bắt đầu cuộc họp với tinh thần tập trung cao độ nhất. Tôi trở về Hà Nội ngay vào đầu giờ chiều khi kết thúc buổi làm việc với phòng giáo dục thành phố Sơn La. Bão đã tan, nắng rực rỡ trên những đỉnh đèo miền sơn cước.

Chuyến công tác khẩn trương kéo dài chưa đầy 36 giờ cho quãng đường gần 700km, nhưng điều đáng nhớ nhất không phải là sự vất vả mà là tinh thần không lùi bước của những con người nơi đây. Bằng tất cả quyết tâm, thành phố Sơn La đã chỉ đạo viết lại toàn bộ hồ sơ theo định hướng mới, sẵn sàng chinh phục một giấc mơ tưởng chừng xa vời.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Gia nhập mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO không đơn thuần là một cuộc đua về thành tích giáo dục hay phát triển kinh tế. Không ít địa phương lầm tưởng rằng, những thành phố càng phát triển thì sẽ càng chiếm lợi thế áp đảo trong cuộc xét duyệt. Thực tế, cách tiếp cận này chưa chính xác, vì nếu áp dụng tiêu chí cứng nhắc, các thành phố miền núi, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ không có cơ hội tham gia. Điều này đi ngược lại một trong những ưu tiên hàng đầu của UNESCO là thúc đẩy bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và bảo đảm tính đa dạng của mạng lưới.

Thành phố Sơn La trước khi gia nhập mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO

Sơn La là minh chứng rõ nét cho quan điểm này. So với TP. Hồ Chí Minh hay Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh – hai thành phố cùng nộp hồ sơ năm 2025 – thành phố Sơn La không thể cạnh tranh về các chỉ số như tăng trưởng GDP, đầu tư giáo dục, mức độ chuyển đổi số hay các thành tích trong thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế… Tuy nhiên, thay vì tìm cách chạy đua với những địa phương có lợi thế vượt trội về phát triển kinh tế, Sơn La đã chọn một chiến lược khác biệt, tập trung vào những thế mạnh đặc trưng của thành phố và phù hợp với các ưu tiên của UNESCO. Sơn La xác định việc làm nổi bật những nét độc đáo trong chiến lược phát triển giáo dục, văn hoá, xã hội của địa phương sẽ là chìa khóa giúp thành phố ghi điểm trước UNESCO.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Sơn La đã khéo léo lựa chọn bản sắc văn hóa làm trọng tâm trong chiến lược phát triển giáo dục, từ đó tạo nên dấu ấn riêng biệt và ghi điểm trong bộ hồ sơ đệ trình UNESCO. Thành phố xác định sứ mệnh bảo tồn và phát huy di sản của 12 dân tộc anh em, chiếm hơn 55% dân số, như một lợi thế đặc thù để xây dựng một đô thị học tập bền vững. Khẩu hiệu “Học suốt đời, văn hóa bền, tương lai sáng, hội nhập sâu rộng” không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ mà còn truyền tải tầm nhìn và khát vọng phát triển hài hòa giữa giáo dục và bảo tồn bản sắc văn hoá.

Trong hồ sơ của mình, thành phố Sơn La tập trung làm nổi bật sự gắn kết ấy thông qua những minh chứng cụ thể, thuyết phục. Nghệ thuật Xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO công nhận - được đưa vào chương trình giáo dục cộng đồng một cách khéo léo, giúp thế hệ trẻ vừa học hỏi, vừa kế thừa tinh hoa dân tộc. Thành phố không ngừng nỗ lực duy trì và phát huy giá trị của 6 điệu Xòe Thái cổ, khôi phục các lễ hội truyền thống, tái hiện sinh động những giá trị văn hóa bản địa gắn với sinh kế và du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái cũng được chú trọng thông qua các câu lạc bộ văn hóa, nơi cộng đồng giao lưu, học hỏi và sáng tạo bằng tiếng mẹ đẻ. Các cuộc thi thơ ca, dân ca bằng tiếng dân tộc được tổ chức thường xuyên, góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa và lan tỏa bản sắc độc đáo của người Thái. Những sáng kiến này không chỉ bThành phố Sơn La gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái.ảo tồn di sản quý giá mà còn kiến tạo một môi trường học tập phong phú, nơi mỗi người dân được học hỏi từ chính văn hóa nguồn cội của mình.

Thông qua việc đặt văn hóa một yếu trung tâm trong phát triển giáo dục, Sơn La đã tạo ra một cộng đồng gắn kết, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững, hướng đến một thành phố học tập giàu bản sắc.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa, Sơn La còn đề cao hòa nhập xã hội và như một giá trị cốt lõi của thành phố. Bộ hồ sơ nhấn mạnh nỗ lực tạo dựng một xã hội công bằng, nơi mọi người dân - đặc biệt là các nhóm yếu thế - đều có cơ hội học tập và phát triển bản thân, phù hợp với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” mà UNESCO đang nỗ lực thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu.

Một minh chứng rõ nét là tỷ lệ 62,88% cán bộ là người dân tộc thiểu số và 43,66% là nữ giữ vị trí lãnh đạo, cho thấy quyết tâm của thành phố trong thúc đẩy cơ hội việc làm, thăng tiến và bình đẳng giới. Cùng với đó, thành phố đã triển khai nhiều chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giúp 88% trẻ khuyết tật trên địa bàn tiếp cận các chương trình giáo dục phù hợp, mang đến cơ hội học tập và phát triển trong môi trường thân thiện, giàu tính cộng đồng.

Xây dựng Sơn La là Thành phố Học tập toàn cầu

Ngoài ra, thành phố còn chú trọng các giải pháp kinh tế nhằm bảo đảm sự hòa nhập bền vững. Giai đoạn 2021-2023, Sơn La đã thu hút đầu tư phát triển hai khu công nghiệp, triển khai các dự án kinh tế trọng điểm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Đặc biệt, thành phố chủ động xây dựng chính sách tuyển dụng nhóm lao động yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ có việc làm ổn định và hòa nhập với nền kinh tế địa phương.

Có thể thấy, cách tiếp cận trên đã giúp thành phố Sơn La thành công trong việc làm nổi bật những giá trị đặc trưng, tạo nên một hình mẫu kết hợp hài hòa giữa giáo dục suốt đời, bảo tồn văn hóa, hoà nhập cộng đồng và phát triển bền vững thay vì cạnh tranh và so sánh chỉ số với các đô thị lớn có lợi thế là nền tảng kinh tế phát triển vượt trội trong quá trình nộp hồ sơ.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Ngày 12/2/2024, thành phố Sơn La chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người dân thành phố cũng như sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

UNESCO công bố tin vui này trong sự kiện trực tuyến cấp cao với chủ đề “Trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi: Thành phố Học tập của UNESCO thay đổi cuộc sống”. Dù diễn ra vào đêm muộn theo giờ Australia – nơi tôi đang sinh sống và học tập, tôi vẫn háo hức thức trắng để đón tin vui cùng đầu cầu thành phố Sơn La và TP. Hồ Chí Minh.

Đó là khoảnh khắc tự hào, xúc động, nhưng không bất ngờ – bởi trong suốt quá trình đồng hành, tư vấn và hỗ trợ Sơn La, tôi đã chứng kiến sự quyết tâm bền bỉ, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố cùng tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, cầu thị của các chuyên viên. Tất cả đã đồng lòng và không ngừng nỗ lực để biến giấc mơ trở thành hiện thực.

Nhưng có lẽ, điều khiến tôi cảm phục hơn cả sau vừa tròn một năm thành phố chính thức gia nhập mạng lưới (2/2024-2/2025) không phải là danh hiệu họ đạt được, mà chính là cách thành phố đã nỗ lực hết sức để biến danh hiệu ấy trở thành thực chất.

Bí thư Thành ủy Sơn La, ông Hà Trung Chiến, khẳng định: “Việc gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu chỉ là bước khởi đầu. Thành phố còn rất nhiều việc phải làm trên mọi lĩnh vực, từ nâng cao kiến thức người dân để phát triển kinh tế gia đình, bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc một cách khoa học hơn, đến việc tạo ra những đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Không thể nói điểm đến của Thành phố Học tập toàn cầu là đâu, mà chúng ta cần kiên trì, bền bỉ, làm đến đâu có lợi đến đó cho nhân dân, cho sự phát triển của thành phố”.

Tinh thần này đã dẫn dắt sự phát triển của Sơn La trong một năm qua, giúp thành phố từng bước khẳng định vị thế. Những hoài nghi ban đầu - rằng một thành phố miền núi liệu có thể hội nhập với mạng lưới quốc tế hay không - dần được xóa bỏ bằng những kế hoạch bài bản, hành động hiệu quả và kết quả thiết thực.

Chủ trương xây dựng Sơn La thành một thành phố học tập không còn là khẩu hiệu trên giấy mà đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng bản làng, con phố. Học tập đã trở thành nguồn cảm hứng chung, giúp mỗi người dân hiểu rằng tri thức là chìa khóa để đổi thay, phát triển và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Chỉ trong thời gian ngắn, 12/12 xã, phường của thành phố đã đồng loạt thành lập Ban chỉ đạo Thành phố Học tập, triển khai từng kế hoạch cụ thể để biến mục tiêu chung thành những hành động thiết thực. Các cộng đồng học tập tại từng tổ, bản lần lượt được ra đời, trở thành những trung tâm học hỏi, chia sẻ tri thức của người dân. Điều đáng quý nhất không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền mà còn là tinh thần hưởng ứng nhiệt thành từ nhân dân – những con người bình dị, chân chất nhưng mang trong mình khát khao mãnh liệt được học hỏi, đổi thay. Với tinh thần “góp một cuốn sách để cùng nhau đọc nhiều cuốn sách”, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố đã chung tay đóng góp hàng trăm ngày công lao động, gần 2 triệu cuốn sách quý cùng số tiền lên đến hàng tỷ đồng để xây dựng nên 130 “Ngôi nhà Trí tuệ” và “Thư viện Nhân ái”.

Mỗi Ngôi nhà Trí tuệ, mỗi Thư viện Nhân ái không chỉ đơn thuần là nơi để đọc sách, học tập mà còn trở thành điểm hẹn tri thức và văn hóa của cộng đồng. Tại đây, người dân có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, học cách nuôi dạy con cái, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, và cùng nhau vun đắp những giá trị truyền thống quý báu. Từ lớp học tiếng Thái, đến những buổi sinh hoạt chuyên đề về phát triển kinh tế gia đình, chăn nuôi, trồng trọt… hay chỉ đơn giản là những khoảnh khắc lắng đọng bên trang sách, tất cả đều góp phần làm nên một bầu không khí học tập sôi động, gắn kết mọi thế hệ.

Thành phố Sơn La còn không ngừng nỗ lực lan tỏa văn hóa học tập trong cộng đồng thông qua những sáng kiến độc đáo, đầy cảm hứng. Cuộc thi “Sơn La – Thành phố Học tập toàn cầu tôi yêu”, diễn ra vào tháng 9/2024 -10/2024, đã trở thành một sự kiện đặc biệt, thu hút gần 300 sản phẩm dự thi thuộc các lĩnh vực mỹ thuật, âm nhạc, thơ ca và các sáng kiến phát triển bền vững. Sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi không chỉ dừng lại ở sự sáng tạo mà còn khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chung tay xây dựng một thành phố học tập thực sự.

Hàng loạt hoạt động thiết thực khác như Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời… đã được triển khai, tạo nên những “ngày hội tri thức” đầy ý nghĩa, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, sự thành công của Giải Marathon Elite Hill không chỉ là một sự kiện thể thao, mà còn là biểu tượng của tinh thần vượt khó, kiên trì và bền bỉ – những phẩm chất cốt lõi của công dân Thành phố Học tập.

Song song với việc phát triển tri thức, Sơn La đặc biệt chú trọng đến gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện Kết luận số 1186 của Ban Thường vụ Thành ủy, thành phố đã thành lập và duy trì hoạt động của 36 câu lạc bộ văn hóa dân tộc, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Các làn điệu dân ca, điệu múa, tiếng khèn, tiếng đàn... vẫn tiếp tục được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, đồng thời góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa địa phương.

Không dừng lại ở những thành quả trong nước, Sơn La còn chủ động thúc đẩy quá trình hội nhập, khẳng định vị thế và học hỏi từ các mô hình tiên tiến trên thế giới. Thành phố đã tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị các Thành phố Học tập khu vực Đông Nam Á +3 tại Bangkok, Thái Lan. Tại đây, ông Hà Trung Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố Học tập Sơn La, đã có bài phát biểu đầy tâm huyết với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp sâu sắc này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của Sơn La mà còn khẳng định quyết tâm xây dựng một thành phố học tập toàn diện, bình đẳng và bền vững, hướng đến sự phát triển vì con người.

Tiếp nối những bước đi vững chắc đó, Sơn La tiếp tục tăng cường các hoạt động quốc tế khi cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế Thành phố Học tập toàn cầu lần thứ 6 tại thành phố công nghiệp Jubail, Saudi Arabia. Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Trụ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, đã đại diện Sơn La chia sẻ những chiến lược huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu tại đô thị, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong phát triển bền vững. Những đóng góp tích cực và các sáng kiến mang tính thực tiễn cao đã giúp Sơn La nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển trong tương lai.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU
TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP  TOÀN CẦU

Việc thành phố Sơn La được công nhận là thành viên mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO không phải là điều may mắn hay ngẫu nhiên, mà là kết quả của một hành trình kiên trì với tinh thần quyết tâm cao độ, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cam kết hành động thực chất. Thành phố đã chứng minh rằng, dù còn nhiều thách thức về kinh tế và hạ tầng, nhưng với tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, mọi khó khăn đều có thể được vượt qua.

Thành phố Học tập toàn cầu Sơn La và chiến lược cho tương lai

Một năm sáu tháng trước, Sơn La đón tôi bằng cơn mưa rừng xối xả mịt mùng và tiễn tôi về trong nắng vàng rực rỡ thắp trên những đỉnh đèo cao. Chuyến đi ngắn ngủi ấy mở ra cơ hội để tôi được đồng hành và chứng kiến hành trình thật đẹp đẽ và ý nghĩa của thành phố Tây Bắc trước, trong và sau khi gia nhập mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO. Tuy mới chỉ là một lát cắt mỏng về thời gian, và thử thách vẫn còn rất nhiều ở phía trước, nhưng những gì thành phố bước đầu đạt được đã truyền cảm hứng mạnh mẽ và mang tới bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều địa phương khác trên lộ trình gia nhập vào mạng lưới quốc tế uy tín này.

Tác giả: Tống Liên Anh | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh và video: Sở GDĐT tỉnh Sơn La, TGCC.

Đọc thêm

Dự báo thế giới năm con Rắn

Dự báo thế giới năm con Rắn

Theo quan niệm Á Đông, rắn là biểu tượng của sự lột xác, đổi mới và phát triển. Thế giới năm con rắn cũng sẽ hứa hẹn nhiều đổi thay, biến hóa, khó lường, nhiều vấn đề được đẩy đến ngưỡng, có thể bị rơi vào khủng hoảng hoặc chuyển hóa sang một chu kỳ phát triển mới.
Chuyển mình mạnh mẽ, vươn tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Chuyển mình mạnh mẽ, vươn tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam chuyển mình và bứt phá trong kỷ nguyên mới đầy biến động. Trong khi đó, cơ hội “nghìn năm có một” của đất nước để thúc đẩy hợp tác, phát triển lĩnh vực bán dẫn, giúp Việt Nam vươn mình cũng đã đến.
Nhìn lại thế giới 2024 và dự báo 2025: Giữa âu lo, có hy vọng và ý chí Việt Nam

Nhìn lại thế giới 2024 và dự báo 2025: Giữa âu lo, có hy vọng và ý chí Việt Nam

Năm 2024, tình hình thế giới đã chứng kiến những biến động sâu sắc với các thách thức và cơ hội đan xen. Trong bối cảnh cục diện đa cực, đa trung tâm đang định hình, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, sự gia tăng các điểm nóng - xung đột, và các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp.
Trên hành trình tham gia mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu (Kỳ III): Điểm sáng cần nhân rộng

Trên hành trình tham gia mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu (Kỳ III): Điểm sáng cần nhân rộng

Với gần 1 thập kỷ bám rễ trong lòng các cộng đồng dân cư và là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, mô hình Ngôi nhà Trí tuệ và Tủ sách Nhân ái đã chứng minh là những mô hình hội tụ những yếu tố góp phần xây dựng một thành phố học tập toàn cầu đích thực, phù hợp với các ưu tiên của UNESCO.
Hành trình kỳ diệu Việt Nam-Hoa Kỳ:  Từ tầm nhìn trí tuệ, nhân ái đến những 'nhịp cầu' vượt thời gian

Hành trình kỳ diệu Việt Nam-Hoa Kỳ: Từ tầm nhìn trí tuệ, nhân ái đến những 'nhịp cầu' vượt thời gian

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ cảm nhận khi trải qua những khúc quanh lịch sử với nhiều đau thương, ít ai có thể hình dung được những bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 30 năm qua. 30 năm sau, những câu chuyện thành công đó kỳ vọng được viết tiếp bằng quyết tâm “tăng tốc, bứt phá”, nối mạch những nhịp cầu vượt thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai.
75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Mạch nguồn chảy mãi

75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Mạch nguồn chảy mãi

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong những năm qua và kỳ vọng tương lai của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sau ngưỡng cửa 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025).