Bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công tác NVNONN trong năm qua tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và sự đồng tình hưởng ứng của bà con. Giống như chủ đề của Hội nghị NVNONN ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư - “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, đã khơi dậy được niềm tự hào dân tộc, mong muốn của kiều bào đóng góp cho sự phát triển và xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư ngày 23/8. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Sự sum họp “Diên Hồng”
Từng được tổ chức thành công vào các năm 2009, 2012 và 2016, Hội nghị NVNONN toàn thế giới đã trở lại, hoạt động sôi nổi tại Hà Nội từ ngày 21-24/8, góp phần đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, đóng góp vào việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, thể hiện mạnh mẽ công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào và phát huy nguồn lực NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Hội nghị lần thứ tư có sự tham dự của hơn 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và 350 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương, các viện, trường, đại học, hiệp hội doanh nghiệp trong nước.
Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong nước tổ chức thành công “Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài” năm 2024, một số hội đoàn NVNONN tham gia cùng các cơ quan trong nước điều hành một số phiên chuyên đề trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nhân Hội nghị, lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đã gửi tới những thông điệp quan trọng về cộng đồng cũng như công tác NVNONN trong thời gian tới. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Đất nước ta đạt được những thành tựu, kết quả nêu trên, trước hết là do ý Đảng hợp với lòng Dân, sự chung sức, đồng lòng nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có những đóng góp quý báu của kiều bào ở nước ngoài...”.
Hơn 70 tham luận của kiều bào đã đóng góp những ý kiến thiết thực về các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đại đoàn kết dân tộc, chính sách pháp luật, bảo tồn văn hóa, tôn vinh tiếng Việt…
Với nhiều kỳ vọng, dư luận kiều bào đều đánh giá cao, coi sự kiện lần này như một “Hội nghị Diên Hồng”, vừa thể hiện sự trân trọng lắng nghe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ý kiến của cộng đồng NVNONN, mong muốn đóng góp cho sự phát triển và xây dựng đất nước; đồng thời đánh giá cao công tác tổ chức sự kiện, thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả, thực chất.
Sáng kiến ‘Tủ sách tiếng Việt’ được vinh danh tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Trong ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dự lễ khai trương Tủ sách Tiếng Việt tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris. |
Tiếng Việt tự tin hội nhập quốc tế
Qua hai năm thực hiện, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023- 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của NVNONN.
Điển hình, cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN” do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao khởi xướng, sau hai năm tổ chức đã lựa chọn và vinh danh 10 Sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau, trong đó có cả sứ giả là người nước ngoài.
Tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X, Tủ sách tiếng Việt của Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đoạt giải Nhì hạng mục Sáng kiến sản phẩm có giá trị Thông tin đối ngoại.
Ra mắt từ năm 2023, Tủ sách tiếng Việt hiện có mặt ở nhiều quốc gia và trải đều ở nhiều khu vực có người Việt Nam sinh sống trên thế giới, góp phần tạo môi trường tốt cho trẻ em và người Việt nói chung được rèn luyện, trau dồi tiếng mẹ đẻ. Thông qua tủ sách, các thế hệ NVNONN có thể dễ dàng tiếp cận với văn hóa dân tộc, củng cố tình yêu quê hương, đất nước; thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường kết nối giữa đồng bào trong nước và cộng đồng NVNONN.
Tính đến nay, Tủ sách đã đến với bà con kiều bào các địa bàn: Fukuoka - Nhật Bản (tháng 8/2023), Budapest - Hungary (10/2023), Đài Loan - Trung Quốc (7/2024), Paris - Pháp, Prague - Czech (7/2024). Nhiều tủ sách khác đang được thực hiện, nhận được sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền sở tại các nước.
Đặc biệt, ngày 11/6, chính quyền thành phố San Francisco công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức, bên cạnh các ngôn ngữ khác như tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Philippines. Truyền thông Mỹ cho biết, đây là một phần trong nỗ lực mở rộng dịch vụ công đến cộng đồng người nói tiếng Việt. Theo quy định, thành phố sẽ cung cấp phiên dịch qua điện thoại, bản dịch tiếng Việt cho các văn bản, thông báo bằng tiếng Việt trên website, cũng như phiên dịch trong các dịch vụ công.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thay mặt cộng đồng người Việt tại nước ngoài trao tiền quyên góp tới Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến để hỗ trợ bào vùng bão lụt. |
Nguồn lực và những con số biết nói
Có thể thấy rõ kiều bào tiếp tục khẳng định là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhà nước về NVNONN, kiều hối gửi về đạt khoảng 14 tỷ USD năm 2023 và 14,5 tỷ USD năm 2024. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối trong chín tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,4 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, cao gần bốn lần so với lượng vốn FDI vào thành phố (khoảng 1,91 tỷ USD). Kiều bào đã đầu tư 421 dự án FDI tại 42/63 tỉnh thành trên cả nước, với tổng vốn đăng ký 1,722 tỷ USD.
Với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, trước chuyến đi của đoàn kiều bào năm 2024, bà con đã tích cực đóng góp ủng hộ chương trình “Cả nước vì Trường Sa” và quà tặng là những hiện vật thiết yếu hỗ trợ đời sống, công tác của quân, dân huyện đảo đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng (trong đó gần 850 triệu ủng hộ chương trình “Cả nước vì Trường Sa” và nhu yếu phẩm trị giá gần 750 triệu đồng được trao trực tiếp cho các điểm đảo và Nhà giàn DK-I/14.
Ngoài ra, với tinh thần “tương thân, tương ái”, sau cơn bão số 3, cộng đồng NVNONN đã quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước với số tiền hơn 58 tỷ đồng. Đoàn thiện nguyện của Quỹ Nhân ái (thuộc Ban tổ chức Chương trình Hoa hậu Áo dài phu nhân toàn châu Âu) ủng hộ số tiền và hiện vật quyên góp trị giá khoảng hơn 300 triệu đồng trong chương trình từ thiện “Xuân Biên cương” tại Sơn La…
Đại biểu kiều bào tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, diễn ra từ 16-18/10. (Nguồn: TTXVN) |
Toả sáng tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Năm qua, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN được triển khai tích cực với nhiều hình thức, tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.
Các chương trình thường niên như Xuân Quê hương 2024 tại TP. Hồ Chí Minh thu hút 3.400 đại biểu trong và ngoài nước; đoàn kiều bào dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương có gần 70 đại biểu từ 21 quốc gia tham dự; Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (4/2024) thu hút 68 kiều bào từ 22 quốc gia; chương trình Trại hè Việt Nam 2024 có sự tham gia của 120 thanh niên, sinh viên đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với các hoạt động sôi nổi tại 14 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, công tác thu hút nguồn lực NVNONN được chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, thu hút nguồn lực doanh nhân, trí thức và các nguồn lực khác của NVNONN đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như Chương trình xúc tiến thương mại Việt Nam - Canada, Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng tại Pháp tại Pháp; Hội nghị Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu…
Một điểm nhấn quan trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, là việc 18 đại biểu kiều bào đã trúng cử làm Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc khóa X, trong đó 13 người là Ủy viên khóa IX được giới thiệu tái cử và 5 nhân sự mới tham gia lần đầu.
Với tinh thần trách nhiệm và cống hiến, các kiều bào đều tin tưởng Mặt trận Tổ quốc sẽ không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Nhìn lại kết quả đạt được, năm 2024 thực sự là một năm đặc biệt, tiếp thêm niềm tin và kỳ vọng vào một tương lai nơi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.