📞

27 thành viên EU sẽ tự tin và mạnh mẽ hơn

10:01 | 25/06/2017
Giới chính trị Đức cho rằng, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 ngày 22-23/6 tại thủ đô Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt được những kết quả trong hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố và quốc phòng, đạt được một số kết quả nhất định đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tiến trình Brexit.

Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nhấn mạnh tới sự hợp tác sâu sắc giữa Pháp và Đức đã góp phần vào sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh này. Thủ tướng Merkel gọi sự kiện lần này là Hội nghị Thượng đỉnh của "sự tự tin" và hướng tới tương lai, EU với 27 thành viên sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Đẩy mạnh các biện pháp chống khủng bố

Trước các mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt trong những tháng gần đây, đang gây áp lực cho tất cả các nước châu Âu. Các thành viên EU đã nhất trí có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong đấu tranh với khủng bố. Giải pháp trước tiên được đưa ra đó là việc kiểm soát vấn đề xuất nhập cảnh trong khu vực Schengen trên cơ sở thống nhất về một hệ thống thông tin xuất nhập cảnh. Phát biểu tại cuộc họp báo tối ngày 22/6, Thủ tướng Đức cho biết, "Bất cứ ai muốn tự do di chuyển trong khu vực Schengen cũng phải khai báo để phục vụ việc kiểm soát xuất nhập cảnh".

Thủ tướng Merkel gọi sự kiện lần này là Hội nghị Thượng đỉnh của "sự tự tin" và hướng tới tương lai, EU với 27 thành viên sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. (Nguồn: Politico)

Bên cạnh đó, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã đồng ý về việc đấu tranh mạnh mẽ hơn với chủ nghĩa cực đoan trên mặt trận trực tuyến. Trong thời gian gần đây, công tác tuyên truyền của IS diễn ra rất nhanh và mạnh trên mạng Internet. Theo Thủ tướng Đức, việc xác định những thông tin tuyên truyền cực đoan của IS cần phải nhanh chóng được xác định và "loại bỏ càng nhanh càng tốt".

EU phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với vấn đề an ninh quốc phòng

Tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 12/2016 tại Bratislava, 27 nhà lãnh đạo EU đã quyết định hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Đầu tháng 6/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình một bản dự thảo về chính sách quốc phòng châu Âu trong tương lai và các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng hơn nữa.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các nước cũng đã hoan nghênh đề nghị EC tái thiết lập và phát triển một quỹ quốc phòng châu Âu. Quỹ quốc phòng không chỉ phục vụ mục đích quân sự mà còn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính trị khác, ví dụ như vấn đề giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi.

Cam kết rõ ràng đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này, các nhà Lãnh đạo EU đã đưa ra những cam kết rõ ràng đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh, nội dung này là trọng tâm trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào 7-8 tháng 7 tới tại Hamburg và Thỏa thuận này vẫn là nền tảng của những nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. EU sẽ tăng cường hợp tác đặc biệt với các nước "dễ bị tổn thương nhất".

Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, EU sẽ chú trọng đổi mới công nghệ để góp phần chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.

Tự do thương mại trong EU, nhưng dựa trên luật lệ

Đối với chính sách thương mại, Thủ tướng Merkel khẳng định, EU là một hệ thống thương mại tự do, nhưng dựa trên luật lệ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh một số quốc gia ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Về vấn đề di cư, Liên minh châu Âu chủ trương tiếp tục kiểm soát hiệu quả các đường biên giới bên ngoài nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào EU và cải cách hệ thống tị nạn châu Âu cũng như việc thực thi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ một cách đầy đủ.

(theo Politico, TTXVN)