Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội. (Nguồn: AFP) |
Kết quả bất lợi
Ngày 9/6, 23 triệu cử tri Pháp đã bỏ phiếu cho 81 ứng cử viên của mình vào Nghị viện châu Âu, theo đó Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đã giành chiến thắng vang dội với kết quả 31,36%, tiếp đó là liên minh Đảng cầm quyền của Tổng thống Macron đứng thứ hai với 14,6%, Đảng cánh tả Xã hội đạt 13,8%, Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất 9,9%, Đảng cánh hữu những người Cộng hòa 7,2%. Đáng chú ý, Đảng Sinh thái, vốn đứng vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 đã thất bại nặng nề khi chỉ giành được 5%, bằng với số phiếu của Đảng cực hữu Tái chinh phục.
Tin liên quan |
Bầu cử Nghị viện châu Âu: Mối lo sát sườn |
Trước thất bại nặng nề của Đảng cầm quyền Phục hưng, tối 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có phát biểu trên truyền hình và tuyên bố giải tán Quốc hội theo điều 12 của Hiến pháp Pháp và cho biết sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử theo 2 vòng vào ngày 30/6 và ngày 07/7 nhằm bầu ra các Nghị sỹ Quốc hội mới.
Các đảng phái chính trị Pháp có nhiều phản ứng trái chiều trước tuyên bố trên của ông Macron. Đảng cực hữu RN “hoan nghênh quyết định tổng tuyển cử sớm của ông Macron”, Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất nhất trí với việc bầu cử lại Quốc hội tuy nhiên vẫn đánh giá đây là một động thái đầy rủi ro. Đảng cánh tả Xã hội chỉ trích hành động của Tổng thống Macron là “đầu hàng” trước Đảng RN, trong khi Đảng cánh hữu Cộng hòa cho rằng “đây là trò chơi may rủi với vận mệnh đất nước khi giải tán Quốc hội mà không cho ai có thời gian chuẩn bị và tiến hành bất kỳ chiến dịch vận động tranh cử”...
Sau các tuyên bố, các đảng phái chính trị cũng nhanh chóng có các phát biểu nhằm tập hợp cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới.
Xu hướng thoái trào của các Đảng mới nổi
Quay trở lại năm 2017, sự ra đời của Đảng Trung dung tiến bước, sau này được đổi thành Nền Cộng hòa tiến bước và hiện là Đảng Phục hưng cùng ứng cử viên E. Macron cho vị trí Tổng thống Pháp đã thổi một làn gió mới cho chính trường Pháp, đồng thời thu hút sự ủng hộ đông đảo của các cử tri Pháp. Uy tín các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống ngay sau đó đều bị sụt giảm và thất bại tại cuộc bỏ phiếu tại cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngay sau đấy vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên sau hàng loạt các cuộc khủng hoảng kéo dài vừa qua tại Pháp như đại dịch Covid-19, biểu tình Áo vàng, khủng hoảng năng lượng, đình công đường sắt… và nhất là các diễn biến gần đây như biểu tình phản đối luật hưu trí, đình công của nông dân tại Pháp gây hàng loạt thiệt hại về kinh tế, bạo loạn tại vùng hải ngoại Nouvelle Caledonie…đã đẩy nước Pháp vào trình trạng bất ổn.
Cử tri Pháp lại một lần nữa mất phương hướng và đặt hoài nghi cho Đảng cầm quyền của Tổng thống Macron hiện nay. Trong bối cảnh châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề xã hội như nhập cư, tôn giáo, khủng bố..., phong trào dân túy của các đảng cực hữu đang ngày càng gia tăng và chiếm được niềm tin của các cử tri qua các kỳ bầu cử.
Trước đó, tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022, ứng cử viên Đảng cực hữu Marie Le Pen đã vào vòng 2 và đối mặt với Tổng thống Macron. Đảng cực hữu RN không ngừng gia tăng ảnh hưởng thông qua số lượng các ghế tại Quốc hội Pháp và Nghị viện châu Âu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, RN chiếm 89 tại Quốc hội Pháp sau cuộc bỏ phiếu năm 2022.
Quyết định rủi ro
Mặc dù trước đó, Tổng thống Macron đã đề cập tới việc giải tán Quốc hội tại các phát biểu, tuy nhiên đây vẫn là một quyết định đầy rủi ro. Nếu kết quả cuộc tổng tuyển cử không được như mong đợi, Tổng thống Macron buộc sẽ phải cải tổ nội các và bổ nhiệm Thủ tướng là người của phe đối lập[1] (cohabitation), dẫn đến nhiều bất ổn trong chính trị Pháp thời gian tới.
Trước đó, dưới nền Cộng hòa V, nước Pháp đã từng trải qua 5 lần giải tán Quốc hội vào các năm 1962, 1968, 1981, 1988 và 1997 với mục đích giành lại đa số của Đảng cầm quyền tại Quốc hội[2]. Lần này, việc Tổng thống Macron thực hiện việc giải tán Quốc hội ngay sau kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu cũng nhằm mục đích nêu trên, đồng thời cũng khẳng định quyết tâm kêu gọi các đảng phái chính trị cùng đoàn kết trước sự đi lên của phe cực hữu hiện nay.
Trên thực tế, qua các kỳ bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2002 và năm 2022, khi phải đối mặt với việc lựa chọn giữa đảng cực hữu và một đảng khác, các cử tri thường có xu hướng đoàn kết và bỏ phiếu cho đảng không phải là cực hữu. Ngoài ra, việc giải tán Quốc hội và có thể dẫn đến thay đổi nội các trong thời gian tới cũng thể hiện việc Tổng thống Macron đang lắng nghe ý kiến của người dân thông qua các phiếu bầu, qua đó nhằm khôi phục uy tín đang bị suy giảm của ông hiện nay. Theo kết quả một cuộc thăm dò ngay đầu tháng 6 này, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron giảm xuống chỉ còn 25% so với 34% đầu nhiệm kỳ 2 của ông vào tháng 4/2022.
Trong bối cảnh 'nước sôi lửa bỏng' như vậy, thì quyết định giải tán Quốc hội vẫn bị cho là một canh bạc lớn đối với Tổng thống Macron cũng như chính nền chính trị Pháp. Liệu bước đi này của ông Macron có đạt được mục tiêu mà mà ông chủ Điện Elysee kỳ vọng hay không, chính ông và cử tri Pháp sẽ phải chờ đến kết quả của cuộc bỏ phiếu vào ngày 30/6 và ngày 07/7 sắp tới. Và kết quả đó như thế nào sẽ cho thấy rõ hơn chiều hướng chính trị của Tổng thống Macron và nước Pháp thời gian tới ra sao.
[1] Nước Pháp đã trải qua 3 trường hợp (sống chung - cohabitation): Thời kỳ Tổng thống Francois Mitterrand từ năm 1986-1988 và từ năm 1993-1995 và thời kỳ Tổng thống Jacques Chirac từ năm 1997-2002.
[2] Trong lịch sử Pháp, chỉ duy nhất Tổng thống Jacques Chirac thất bại trong việc bầu lại Quốc hội sau khi giải tán (1997) nhưng đa số tại Quốc hội vẫn thuộc về phe đối lập, buộc Tổng thống Jacques Chirac phải bổ nhiệm Thủ tướng là người của phe đối lập.
Chính trị gia Le Pen: Tổng thống Macron muốn gây chiến với Nga, tạo 'mối nguy hiểm thực sự' cho nước Pháp Chính trị gia Pháp Marine Le Pen cảnh báo Tổng thống nước này Emmanuel Macron muốn “gây chiến với Nga”. |
Giới cầm quyền ở châu Âu chịu đả kích trong bầu cử EP: Tổng thống Pháp vội giải thể Quốc hội, tuyên bố bầu cử sớm; Thủ tướng Đức nhận kết quả tồi tệ Vào đúng 23h00 giờ địa phương ngày 9/6 (4h00 ngày 10/6 theo giờ Hà Nội), toàn bộ các quốc gia thành viên Liên minh châu ... |
Tổng thống Pháp thăm Đức: Tìm kiếm đồng thuận, lấp đầy khoảng trống Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến sân bay Berlin vào chiều 26/5, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của vị nguyên thủ ... |
Bầu cử nghị viện EU: Việc chung cầu kỳ như việc riêng, vì sao? Một trong những cuộc vận động dân chủ lớn nhất thế giới sẽ diễn ra trong tuần này, với khoảng 373 triệu người trên khắp ... |
Bầu cử Nghị viện châu Âu: Cử tri Đức bắt đầu bỏ phiếu, AfD được ủng hộ đáng kể bất chấp lùm xùm Sáng 9/6 (giờ địa phương), cử tri trong cả nước Đức bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) ... |