Chỉ đúng một năm sau khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được thông qua và từ đó đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD.
Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, tạo 3,6 triệu việc làm trực tiếp và 5 - 6 triệu việc làm gián tiếp…
Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy và làm cho hội nhập có chiều sâu hơn đặc biệt trong khung khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Đầu tư nước ngoài và hội nhập đã là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp luật đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
FDI đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Dù chưa đạt kỳ vọng nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi trực tiếp khi cùng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Kể từ năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài, (từ 2005 là luật đầu tư chung) qua sáu lần sửa đổi và bổ sung đã trở thành một bộ luật khá hoàn chỉnh và tiên tiến, được các chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đánh giá cao.
Tuy nhiên, so với các mục tiêu và kỳ vọng, việc thu hút FDI còn có các nhược điểm. Tỷ trọng của khu vực FDI lớn trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng tác động không tương xứng. Công nghệ thực tế của các DN FDI chủ yếu là loại trung bình và thấp, tình trạng “chuyển giá” còn nặng nề khi nhiều năm có tới 45% DN FDI báo lỗ liên tiếp nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Các điều tra cho thấy, phần lớn DN thu hút lao động nhiều, có công nghệ thấp là DN dệt may, địa ốc... Hệ quả là trong nước chỉ có 12,7% DN thuộc nhóm ngành công nghệ cao. Việc thu hút FDI theo phong trào và bằng mọi giá đã đưa đến nhiều hệ lụy cho môi trường sinh thái, làm suy giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa. Cách nay 5 năm, Nghị quyết số 103/NQ-CP về nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành, song nhiều định hướng vẫn chưa được thực hiện.
Từ thực tế đó, các chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Giới chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên thành lập “Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới” thay thế Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại.
30 năm qua, FDI luôn đồng hành cùng quá trình Đổi mới và Hội nhập của đất nước. Những kinh nghiệm quí báu của những năm đầu tỏ ra không còn phù hợp với giai đoạn mới, nhất là qui mô và trình độ của nền kinh tế nước nhà đã khác xưa và tình hình kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến. Việc thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ lâu dài tuy nhiên phải đáp ứng tốt yêu cầu tái cơ cấu kinh tế.
Việc liên kết FDI và kinh tế trong nước vẫn là câu hỏi lớn do trình độ còn khác nhau, khó kết nối. Phải chăng cách làm của Vinfast tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng đã gợi mở những hướng đi để tận dụng trình độ công nghệ cao của thế giới, mua bán doanh nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp tư nhân kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TSKT. Nguyễn Xuân