Quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc đã đi được chặng đường 30 năm với rất nhiều dấu ấn quan trọng và nổi bật. (Nguồn: Shutterstock) |
Nâng tầm cao mới cho quan hệ song phương
Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 4-6/12/2022.
Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước đến Hàn Quốc sau 11 năm và là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Hàn Quốc kể từ khi nước này có Tổng thống mới.
Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là quốc khách đầu tiên của Tổng thống Hàn quốc Yoon Suk Yeol kể từ khi ông nhậm chức.
Trong thông điệp in trên Đặc san “30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Cùng hướng tới tương lai” do Báo Thế giới & Việt Nam xuất bản (tháng 12/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết: Quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc đã đi được chặng đường 30 năm với rất nhiều dấu ấn quan trọng và nổi bật, được coi là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ bang giao. Tin cậy, hiểu biết giữa hai nước ngày càng được củng cố, chúng ta đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai nước, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, hai bên sẽ cùng bước tiếp chặng đường mới với tầm nhìn, mục tiêu to lớn hơn, toàn diện hơn, chiến lược hơn, tạo dựng dấu ấn mới tương xứng tầm mức quan hệ hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho hai dân tộc, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”. |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và những kết quả hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp. Đây cũng là thời điểm Việt Nam đang chủ động triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã thông qua.
Kể từ tháng 10/2009, sau khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác hai nước ngày càng gặt hái nhiều “trái ngọt”, từ chính trị, an ninh và quốc phòng đến đầu tư, thương mại, giáo dục, du lịch, hợp tác địa phương.
Quãng thời gian 30 năm tuy chưa phải là dài, nhưng đủ để chứng kiến những bước tiến trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, Việt Nam-Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực, tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được củng cố.
Trong năm 2022, hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương được duy trì theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt, cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này được đánh giá là “sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt-Hàn”.
Chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk Yeol về cơ bản đã hình thành những định hướng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc thời gian tới, trong đó coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng nhất trong chính sách toàn cầu của Hàn Quốc; đồng thời coi ASEAN là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Việt Nam là nước trọng điểm trong ASEAN.
Trong điện đàm giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/3 và hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 8/6, Tổng thống Hàn quốc đã bày tỏ hy vọng chuyến thăm Hàn Quốc trong năm nay của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo bước chuyển quan trọng cho sự phát triển bước ngoặt của quan hệ hai nước nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.
Tổng thống Yoon Suk Yeol mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đối tác quan trọng trong Chính sách đối với ASEAN của Hàn Quốc và cũng là nước điều phối quan hệ Hàn Quốc-ASEAN vì tự do, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Điểm sáng 30 năm
Hợp tác thương mại-đầu tư là điểm sáng khi Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về ODA, thứ 3 về thương mại.
Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với 79,9 tỷ USD tổng vốn đăng ký, hơn 9.200 dự án còn hiệu lực. Trong năm 2021, đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 4,95 tỷ USD, với gần 361 dự án mới.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2 (sau Singapore) về đầu tư mới với vốn đăng ký cấp mới đạt 3,5 tỷ USD.
Mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19, song kim ngạch thương mại song phương vẫn duy trì ở mức cao từ 66,2 tỷ USD (năm 2018) lên 78 tỷ USD (năm 2021). Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 51,18 tỷ USD.
Hợp tác trong lao động giữa hai nước chính thức khởi động từ năm 1993 thông qua chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt.
Tính đến tháng 9/2022 đã có khoảng 115.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và 28.674 lao động hiện đang làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).
Trong những năm qua, hai nước đã triển khai nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi tăng cường trao đổi khách. Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam.
Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam-Hàn Quốc. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người.
Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020-2021 giảm do tác động của dịch Covid-19 song đang tăng trở lại từ đầu năm 2022. Trong 10 tháng đầu năm 2022, đã có 423.420 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, đứng đầu trong các thị trường gửi khách và dự kiến đà tăng trưởng sẽ còn tiếp diễn trong năm tới.
Quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia.
Trong hợp tác giáo dục, hai nước đã ký nhiều văn bản hợp tác. Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội; ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học.
Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn-ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam-Hàn Quốc cũng được đẩy mạnh.
Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người, gồm hơn 37.000 lao động phổ thông theo Chương trình EPS và lao động thuyền viên, gần 2.000 lao động kỹ thuật, hơn 60.000 người kết hôn di trú, hơn 14.000 sinh viên, hơn 35.000 thực tập thông thường và nghiên cứu sinh, hơn 32.000 người thăm thân.
Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 180 nghìn kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Cộng đồng phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc phát triển và có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, Tổ quốc. Hiện đa số các tỉnh, thành, địa phương của ta đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 59 địa phương, tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh.
Như vậy, hiệu quả hợp tác trên các mặt trong 30 năm qua đã tạo nền tảng vững chắc với những cơ hội hợp tác phong phú, mới mẻ đang được mở ra và sẽ trở thành động lực phát triển, tạo đà, mở rộng không gian hợp tác cho quan hệ song phương trong tương lai.