📞

36 triệu USD 'tiếp lửa' cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng sức cạnh tranh

Vân Chi 10:46 | 19/01/2022
Chiều 18/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức khởi động dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam. Theo đó, khoảng 5.000 doanh nghiệp với sản phẩm Made in Vietnam sẽ được hỗ trợ để tăng cường năng lực cạnh tranh trong 5 năm tới.
Lễ khởi động dự án 'Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam' chiều 18/1 tại Hà Nội. (Nguồn: IPSC)

Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Đây là dự án được công bố trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hồi tháng 8/2021. Dự án sẽ được triển khai phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng trong hơn 3 thập kỷ qua và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển trên nhiều phương diện, khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các ngồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hùng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nhiều hạn chế về quy mô, thiếu vắng lực lượng tiên phong, dẫn dắt, đồng thời trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tư duy kinh doanh manh mún, đồng thời phải đối mặt với nhiều rào cản và hạn chế làm cản trở khả năng tăng trưởng liên tục và bền vững, trong đó có các vấn đề như công nghệ mới, thiết lập mạng lưới, liên kết thị trường và thiếu tiếp cận với các cơ hội về đào tạo quản lý và nâng cao kỹ năng.

“Dự án sẽ thu hút và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để thiết lập các quan hệ đối tác giá trị chung và xây dựng các giải pháp dẫn đầu thị trường. Bên cạnh đó, dự án cũng hợp tác với các đối tác tư nhân tại địa phương, đơn vị hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và các công ty hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ các dự án nhỏ đang tăng trưởng nâng cao năng lực về quản trị, nhân lực, tài chính và công nghệ,” ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dự án sẽ khuyến khích thực hiện các giải pháp để tận dụng thế mạnh đội ngũ nhân tài người Việt, bao gồm cả việc khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và giải pháp của người Việt nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Đối tượng chính của dự án là các doanh nghiệp tiên phong, qua đó biến các doanh nghiệp này trở thành hình mẫu phát triển để nhân rộng và lan tỏa tới các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng khác; đồng thời, họ trở thành chuyên gia cố vấn cho các doanh nghiệp khác đang gặp những thách thức tương tự.

Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng thành công trong gia nhập thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock nhấn mạnh: “Dự án mới này là một nỗ lực quan trọng của USAID nhằm giúp Việt Nam tận dụng được tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng động của khu vực tư nhân Việt Nam để trở thành một khu vực có thể cạnh tranh trên toàn cầu và đem lại cơ hội công bằng hơn cho tất cả".

Bà Ann Marie Yastishock cho rằng dự án là sự tái khẳng định cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế cho Việt Nam của Chính phủ Mỹ cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững bởi các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng.

Trong thời gian thực hiện, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó có 240 doanh nghiệp tham gia thành công vào các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong sẽ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và định vị các thương hiệu “Made by Vietnam” của các doanh nghiệp này trên thị trường khu vực và toàn cầu.

Dự án hướng đến 4 mục tiêu, bao gồm: Tăng cường năng lực quản trị và chiến lược; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; Cải thiện môi trường kinh doanh; Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và liên kết ngành.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động cả nước và đóng góp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách và bảo đảm an sinh xã hội. Song, doanh nghiệp tư nhân cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu tầm nhìn và liên kết, năng lực quản trị và chất lượng nhân công thấp...