Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai một số hoạt động cụ thể để thực hiện mục tiêu đào tạo khoảng 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành chip, điện tử... (Nguồn: VGP) |
Phục vụ phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ (ngày 26/10) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025.
Tại đây, Bộ trưởng đã hồi âm đề nghị của đại biểu Quốc hội về việc làm rõ các giải pháp, gắn với lộ trình và các bước triển khai cụ thể để thực hiện mục tiêu đào tạo khoảng 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành chip, điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực mới.
Bộ trưởng cho biết, tại Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về KTXH năm 2023-2024 đã yêu cầu: “Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip, bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030". Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 đã xác định nhiệm vụ: “ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực mới nối, trong đó tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cúư và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030”.
Đây là yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam thu hút được các dự án FDI quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược, cũng như phát triển các doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành chip, bán dẫn. Từ đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, khai thác hiệu quả thành tụu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế phù hợp với xu thế toàn cầu - Bộ trưởng nêu.
Thông tin tiếp theo được người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay là với quan điểm trên, ngày 21/9/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” (Chương trình). Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn như: thiết kế, đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị vi mạch, chất bán dẫn...
Chương trình xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Gồm, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hợp tác các bên Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp, thu hút nhân tài trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia làm việc tại Việt Nam, triển khai các chương trình đào tạo tài năng phục vụ công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ tài chính cho người học và tạo thuận lợi cho đầu tư, vận hành các cơ sở phòng thí nghiệm về bán dẫn.
Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo, sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hoá các phòng thí nghiệm bán dẫn...
Tổ chức đào tạo cả ở cấp bậc đại học, sau đại học, hệ ngắn hạn, đào tạo giảng viên gắn với xây dựng nội dung, khung chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Huy động, đa dạng hoá nguồn lục xã hội, cả của Nhà nước và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực cho ngành chip, bán dẫn.
Xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ sau đại học với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.
Chương trình còn có nhóm giải pháp về truyền thông, tăng cường họp tác quốc tế, khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến, cách làm hay, đột phá...
Trên cơ sở đó, Chương trình đã xác định nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng nêu một số hoạt động cụ thể đã triển khai.
Đó là, Bộ đã chủ động, khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, đối tượng tham gia Chương trình (các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan liên quan), bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ kết quả để kịp thời đánh giá, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công tại Chương trình, đề xuất các nhiệm vụ khác theo các nhóm giải pháp. Cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan liên quan cung cấp nhu cầu vốn và xây dựng đề xuất dự án để phát triển 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở tại 18 trường đại học công lập.
Bộ cũng đã xác định dự kiến số lượng sinh viên, học viên, giảng viên sẽ được tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Căn cứ trên số liệu đăng ký năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học thì việc đào tạo được 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 là khả thi, thậm chí con số có thể lớn hơn nhiều nếu nhu cầu thị trường đủ khả năng hấp thụ.
Hành động tiếp theo của Bộ là chủ động triển khai nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy họp tác công tư phục vụ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; cơ chế thuận lợi để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phối hợp quản lý, phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo của khu vực tư nhân trong vận hành chia sẻ hạ tầng, tài chính phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, khoa học và công nghệ, quản lý, sử dụng tài sản công...
Việc nữa Bộ cũng đã làm, theo Bộ trưởng, là phát huy mạnh mẽ vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ, viện trợ, học bổng phục vụ hoạt động đào tạo; kết nối đầu ra cho nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới; kêu gọi các tập đoàn công nghệ hỗ trợ bản quyền phần mềm, tổ chức liên tục các chương trình đào tạo ngắn hạn phát triển nguồn nhân lực bán dẫn nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.
| Doanh nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% ... |
| Mở rộng quan hệ hợp tác với Australia không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một chiến lược quan trọng của Việt Nam Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội thảo của Viện Chính sách Australia - ... |
| Khoảng 5.000 đại biểu sẽ tham dự Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Viet Nam 2024) với chủ đề "Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng ... |
| Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ đang trình Quốc hội rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư, kinh doanh Sáng nay (26/10), phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội năm 2024, kế hoạch 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch ... |
| Luật Đầu tư công (sửa đổi): Tạo đột phá trong quản lý đầu tư công, hướng tới phân cấp mạnh mẽ cho địa phương Sáng nay (29/10), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày ... |