Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh) |
10 điểm sáng
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2024, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Cụ thể, có 10 điểm sáng như sau:
Thứ nhất, ngành đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Tin liên quan |
Mục tiêu tăng trưởng 8%, tại sao không? |
Thứ hai, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, không ngừng phát huy những thành tựu đạt được sau 40 năm Đổi mới. Kết thúc năm 2024, Việt Nam có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%).
Thứ ba, thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, khoa học công nghệ - nguồn nhân lực) đạt nhiều kết quả rõ nét nhờ đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức tổ chức triển khai.
Thứ tư, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.
Thứ năm, nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Nvidia đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Thứ sáu, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Việc xử lý các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đạt kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ bảy, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao… và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.
Thứ tám, công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành. Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, triển khai các chương trình, dự án có tính vùng và thúc đẩy liên kết vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.
Thứ chín, giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội…, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.
Thứ mười, hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, các doanh nghiệp lớn toàn cầu… nâng cao vị thế, uy tín đất nước và mở ra các cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Đây là những kết quả quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc".
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh) |
10 nhiệm vụ trọng tâm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê đang đứng trước thời khắc lịch sử mới của đất nước và của ngành, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển.
Trong tương lai, ngành sẽ chú trọng 10 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; phải cụ thể hóa, thể chế hóa bằng được tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên phát triển mới; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách đột phá, khả thi, hiệu quả cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.
Thứ hai, theo dõi sát, nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê để chủ động tham mưu, đề xuất; phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; nhất quán quan điểm lấy phát triển để ổn định và ổn định làm tiền đề cho phát triển; ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026-2030; hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, nước ta có 3.000 km đường cao tốc..., các dự án năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo…
Thứ tư, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội; bảo đảm sự gắn kết giữa chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nguồn lực của Nhà nước để triển khai thực hiện.
Thứ năm, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tháo gỡ. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Thứ sáu, tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án FDI lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Gia Thành) |
Thứ bảy, tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước. Tập trung đầu tư đủ mức, dứt điểm đối với các dự án hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn của vùng.
Thứ tám, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới; đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới.
Thứ chín, phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Thứ mười, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổ chức bộ máy của cơ quan sẽ có sự thay đổi nhưng chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, thống kê không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn với yêu cầu, đỏi hỏi cao hơn.
Trước tình hình này, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê xin hứa: “Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ vị trí công tác nào, hoạt động dưới bất kỳ hình thức tổ chức, tên gọi nào, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử 80 năm hình thành và phát triển, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và lòng tự hào, giữ vững ngọn cờ cải cách, tiên phong đổi mới, không ngừng nỗ lực cống hiến, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng hướng về phía trước, tiến bước vững vàng, viết lên trang sử mới của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê".
Nhân dịp này, ghi nhận những thành tích đã đạt được, Chủ tịch nước quyết định tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
| Công nghiệp khí khẳng định vị thế trong nền kinh tế Việt Nam Công nghiệp khí đã và tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là lĩnh vực nền tảng để phục vụ cho phát triển kinh ... |
| Hợp tác kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết Sáng nay (27/11), Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội, đánh dấu một bước ... |
| Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024: Phấn đấu GDP năm 2025 đạt 8% Chiều nay (7/12), tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. Bộ trưởng, Chủ nhiệm ... |
| Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Tận dụng cơ hội ‘nghìn năm có một’ Hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thời cơ để ngành bán dẫn tại Việt Nam phát triển và khẳng định vị thế ... |
| Mục tiêu tăng trưởng 8%, tại sao không? Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% cho năm 2025, phấn đấu 7-7,5%, có thể coi là một thách thức trong ... |