Nhỏ Bình thường Lớn

4 tháng, 3 lần gặp gỡ và một VIFTA ký kết ‘quá nhanh’…

“Vài năm trước, trở về nhà sau chuyến du lịch Việt Nam, con gái hào hứng nói với tôi rằng, bố nhất định phải đến thăm đất nước này, cảnh sắc và con người nơi đây rất tuyệt. Tôi đã nhận ra điều này, ngay khi đặt chân đến Việt Nam”.

Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat chia sẻ như vậy trong cuộc tiếp xúc báo chí bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Israel diễn ra sáng 16/8, tại Hà Nội.

Ông Nir Barkat cho rằng, lịch sử phát triển của Việt Nam và Israel cho thấy, cả hai nước đều hướng tới hoà bình và chung một mong muốn hợp tác toàn cầu với nhiều vùng, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam - mảnh đất đầy tiềm năng

Theo Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel, chỉ trong vòng 4 tháng vừa qua, ông và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có tới 3 lần gặp gỡ, làm việc.

Điều đó cho thấy, qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023), chính phủ cả hai nước đã nhìn thấy rõ cơ hội để hiểu nhau, để thúc đẩy hợp tác. Và Hiệp định thương mại ( FTA) tự do giữa Việt Nam và Isreal (VIFTA) là một minh chứng cho điều đó.

Chỉ 3 tháng sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam và Israel đã ký kết FTA - điều mà ông Nir Barkat mô tả là “quá nhanh”.

Ông nói: “Có thể khẳng định, đây là FTA được đàm phán và ký kết có tốc độ nhanh nhất mà tôi từng chứng kiến. Điều đặc biệt quan trọng là hiệp định này được ký kết đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định với tôi rằng, sẽ sớm có chuyến bay thẳng giữa hai nước. Bên cạnh đó, chính sách visa điện tử cũng là cơ hội để hai quốc gia tăng cường hợp tác. Hàng Việt Nam sẽ sang Israel nhanh hơn và ngược lại, công nghệ Israel cũng sắp đến với Việt Nam nhanh hơn. Tất cả những điều này được khởi nguồn từ VIFTA”.

Tin liên quan
VIFTA: 12 năm nỗ lực VIFTA: 12 năm nỗ lực 'gieo hạt giống' thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam-Israel

Đối với quốc gia Trung Đông, Việt Nam là một mảnh đất đầy tiềm năng. Không chỉ với tốc độ tăng trưởng nhanh ấn tượng, đất nước này còn là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận những thị trường trong ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu “bản đồ” 16 FTA với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Bộ trưởng Nir Barkat thông tin rằng, hiện Israel tập trung vào 7 nhóm ngành có thế mạnh để đầu tư. Cụ thể như: công nghệ cao, an ninh nội địa, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất, y tế và các lĩnh vực đời sống, công nghệ về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch ứng dụng công nghệ cao.

Với lợi thế trong phát triển đổi mới sáng tạo, ông Nir Barkat cho rằng, thời gian tới, Israel có thể cung cấp công nghệ để Việt Nam thực hiện các hoạt động như marketing, bán hàng. Điều này sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi khi tùy chỉnh theo nhu cầu của các bên, đồng thời, tương thích với các thị trường trong khu vực.

Ông khẳng định: “Chiến lược mà chính phủ Israel đang đặt ra chính là tập trung vào vị thế của Việt Nam, từ đó, đem lại lợi ích về kinh tế. Ngoài ra, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel muốn chia sẻ với Bộ Công thương về việc thành lập quỹ hợp tác, sử dụng ngân sách chính phủ hai bên để hỗ trợ doanh nghiệp. Israel đã có các quỹ hợp tác tương tự với Canada, Mỹ".

4 tháng, 3 lần gặp gỡ và một FTA ký kết ‘quá nhanh’…
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat cho rằng, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận những thị trường trong ASEAN (Ảnh: G.T)

“Thách thức” doanh nghiệp

Chia sẻ về thách thức khi VIFTA đi vào thực thi, Bộ trưởng Nir Barkat cho biết, ông từng là doanh nhân nên luôn hiểu rõ khó khăn trong quá trình triển khai các FTA. Tuy nhiên, chính phủ hai bên đều mong muốn và sẵn sàng lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, để giữ được tinh thần lạc quan của hiệp định này.

Ông nhấn mạnh: “Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có chung nhận định rằng, cơ hội phát triển giữa hai nước là rất lớn và tại sao không đẩy nhanh các cơ hội đó. Nếu có một thách thức thì đó chính là ở phía doanh nghiệp.

Thông thường, doanh nghiệp luôn ‘đi’ nhanh hơn chính phủ nhưng tại VIFTA thì ngược lại. Do đó, tại Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Israel, tôi đã thách thức doanh nghiệp rằng, hãy làm cách nào để nhanh hơn hai chính phủ, tận dụng mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa hai bên và hiện thực hóa các cơ hội, lợi ích mà mối quan hệ đó mang lại”.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp từ kinh nghiệm một doanh nhân, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel nói rằng, phải luôn phải hiểu rõ mình ở đâu và cần phải làm gì. Các doanh nhân trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel cần tìm hiểu rõ đất nước, con người Việt Nam, sau đó, tìm hướng xúc tiến và đầu tư.

4 tháng, 3 lần gặp gỡ và một FTA ký kết ‘quá nhanh’…
Với sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Israel, kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ khởi sắc. Hình ảnh Bộ trưởng Nir Barkat và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Israel. (Ảnh: G.T)

Chờ khởi sắc từ thương mại hai chiều

Trao đổi với TG&VN, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ-đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khẳng định: "Với cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa, thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ”.

4 tháng, 3 lần gặp gỡ và một VIFTA ký kết ‘quá nhanh’…
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) Trần Quang Huy. (Ảnh: G.T)

Để biến tiềm năng hợp tác giữa hai nước thành hiện thực, ông Trần Quang Huy nêu bốn đề xuất.

Thứ nhất, hai nước cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư tại mỗi nước.

Thứ hai, Việt Nam khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Israel đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam…

Thứ ba, đề nghị Israel nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm như linh kiện bán dẫn, các sản phẩm từ sữa…

Thứ tư, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Israel trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ công nghệ về sản xuất công nghiệp điện tử, nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp vật liệu, công nghệ thông tin, sản xuất xanh, sạch.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi kỳ vọng: “Với sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Israel, chắc chắn quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước nói chung và quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ phát triển tốt đẹp trong thời gian tới”.

Sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, ngày 25/7, Việt Nam và Israel đã ký kết VIFTA, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD, tăng 0,6%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30%; nhập siêu của Việt Nam từ Israel có giá trị 656,5 triệu USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.

Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

VIFTA: 12 năm nỗ lực 'gieo hạt giống' thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam-Israel

VIFTA: 12 năm nỗ lực 'gieo hạt giống' thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam-Israel

Đàm phán VIFTA khởi động năm 2015 nhưng những văn bản tham mưu chính sách đã được khởi thảo từ năm 2011 và để VIFTA ...

VIFTA: Đại lộ Việt Nam-Israel đã mở

VIFTA: Đại lộ Việt Nam-Israel đã mở

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) chính thức được ký kết vào ngày 25/7, được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy củng ...

Israel mở cửa cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập trực tiếp vào thị trường nội địa

Israel mở cửa cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập trực tiếp vào thị trường nội địa

Diễn đàn Doanh nghiệp và thương mại Việt Nam-Israel do Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí ...

Kỳ vọng thương mại Việt Nam-Israel sớm đạt mức 3-4 tỷ USD

Kỳ vọng thương mại Việt Nam-Israel sớm đạt mức 3-4 tỷ USD

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp ...

Ký kết VIFTA là dấu mốc lớn, chờ đợi chuyến bay thẳng giữa Việt Nam-Israel

Ký kết VIFTA là dấu mốc lớn, chờ đợi chuyến bay thẳng giữa Việt Nam-Israel

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức ...

(ghi)