📞

4.000 trong tổng số 5 triệu chi tiết linh kiện máy bay sẽ đóng nhãn “Made in Vietnam”

15:52 | 02/03/2019
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Hà Nội, một tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới của Mỹ đã quyết định đầu tư 170 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở Đà Nẵng. Được biết, Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. Ltd (UAC) là doanh nghiệp cung cấp hợp đồng dài hạn cho cả Boeing và Airbus.

Sáng 1/3, tại “Tọa đàm mùa xuân 2019”, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn UAC. Tập đoàn UAC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD.

Ngày 27/2, hai hãng hàng không của Việt Nam là VietJet và Bamboo Airways đã ký kết thỏa thuận mua 110 máy bay Boeing trị giá hơn 15 tỷ USD. (Nguồn: Vietjet)

Tại buổi lễ ra mắt giới thiệu Dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, chia sẻ về lý do lựa chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân đầu tư, ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành cho UAC, Chủ tịch của UAC châu Âu cho biết, có hai lý do chính để UAC lựa chọn Việt Nam.

Thứ nhất, hơn 30% hàng tồn đọng của đơn hàng Boeing và Airbus, tồn tại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cả Boeing và Airbus đều đang thúc đẩy hoạt động sản xuất lớn hơn ở châu Á và có mối quan tâm rất lớn đến địa điểm sản xuất tương lai của UAC tại Đà Nẵng. Tại Việt Nam, VietJet đã mua 65 máy bay một lối đi Airbus A320 và A321. Bamboo Airways có 6 máy bay một lối đi của Airbus sẽ cam kết mua 20 máy bay Boeing 787.

Về lý do thứ hai, ông Kevin Loebbaka chia sẻ: “Tôi đã quản lý hoạt động của UAC tại Anaheim California trong 10 năm. Tại Anaheim California, UAC có lực lượng lao động Việt Nam đặc biệt tài năng, rất thành thạo các kỹ năng toán học, khoa học và gia công. Họ là những người bạn của tôi. Và chính kinh nghiệm làm việc của tôi ở California đã cho tôi thấy rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến trong tương lai của UAC. Và hôm nay, chúng tôi bắt đầu điều đó ở Đà Nẵng”.

Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động, tập đoàn của Mỹ dự kiến sẽ sản xuất 4.000 chi tiết trong tổng số 5 triệu chi tiết máy bay các loại cho các chương trình máy bay Boeing 787, 777 và 737 của Boeing và xuất khẩu sang thị trường hàng không Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Dự án này đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021 và tăng lên 85 triệu USD sau đó một năm, dự kiến tạo ra giá trị xuất khẩu 180 triệu USD mỗi năm từ sau 2026.

UAC có kế hoạch tuyển dụng 1.200 lao động tay nghề cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và 2.000 nhân sự để phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ. UAC cũng mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các trường đại học kỹ thuật và dạy nghề tại Đà Nẵng trong việc phát triển ngành hàng không vũ trụ.

Cũng theo CEO của UAC, UAC sẽ tăng cường nguồn nhân lực bản địa với kế hoạch sử dụng khoảng 650 người vào năm 2021 đến hơn 1.000 người vào năm 2023. Trong đó có việc thuê và đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên sản xuất và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực ở Đà Nẵng. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, UAC sẽ phát triển chuỗi doanh nghiệp “vệ tinh” cung cấp các dịch vụ công nghiệp phụ trợ, dự kiến sẽ gián tiếp tạo thêm việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Ngày 27/2, hai hãng hàng không của Việt Nam là VietJet và Bamboo Airways đã ký kết thỏa thuận mua 110 máy bay Boeing trị giá hơn 15 tỷ USD trước sự chứng kiến của Tổng thống Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

PV.