Đây là kết quả khảo sát mới nhất vừa được công bố tại Hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” ngày 7/3 tại Hà Nội. Khảo sát do do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Thuế và Ngân hàng Thế giới (World Bank) phối hợp thực hiện.
Quy mô doanh thu càng cao, càng gặp phiền hà
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trong 10 doanh nghiệp đang hoạt động thì có 6 doanh nghiệp hài lòng còn 4 doanh nghiệp chưa hài lòng về thủ tục hành chính thuế.
Điều gây nhiều phiền hà nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính thuế là biểu mẫu hay thay đổi (63%), thời gian giải quyết thủ tục quá dài (33%) và doanh nghiệp thường bị yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ (33%). Ngoài ra, việc cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, tận tình cũng là một trong những yếu tố tăng thêm phiền hà cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Ngoài ra, có xu hướng là các doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng cao, tỷ lệ gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế càng cao. Cụ thể nếu như 39% doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 1 tỷ đồng cho biết có gặp phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuế thì với các doanh nghiệp có doanh thu 1 – 10 tỷ đồng, 10 – 20 tỷ đồng con số này là 42%. Nhóm doanh nghiệp có doanh thu 50 – 100 tỷ đồng là 40% còn doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng thì tỷ lệ này lên đến 49%.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong thủ tục hành chính thuế năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2014. Cụ thể, trong tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà đã giảm mạnh đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh. Trong nhóm doanh nghiệp FDI, tỷ lệ doanh nghiệp có gặp phiền hà cũng giảm 4%.
34% doanh nghiệp phải chi phí “bôi trơn”
Khảo sát năm 2016 cho thấy, không ít doanh nghiệp vẫn phải chi trả chi phí không chính thức khi tiếp xúc với cơ quan thuế khi có đến 34% doanh nghiệp thừa nhận có hiện tượng này, tăng nhẹ so với năm 2014 (32%).
Hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” (Ảnh: P.M) |
Có 25% doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cho biết, có việc chi trả chi phí không chính thức và trong các doanh nghiệp dân doanh, con số này là 33%. Với các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ cho biết việc chi trả chi phí không chính thức lên tới 44%.
Theo khảo sát, càng những doanh nghiệp mới thành lập, mức độ lo ngại bị phân biệt đối xử càng cao nếu họ không chi chi phí không chính thức. Nếu như với nhóm doanh nghiệp thành lập trước năm 1990, chỉ 26% lo ngại, tỷ lệ này tăng dần khi số năm thành lập giảm. Cụ thể, với nhóm doanh nghiệp mới thành lập từ 2010 trở lại đây, có tới 42% cho biết nếu không chi, họ sẽ bị phân biệt đối xử.
Ông Tuấn cho biết, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 3 doanh nghiệp phải chi phí "bôi trơn" cho cơ quan thuế. Doanh nghiệp dù làm đúng nhưng vẫn phải có khoản phí bôi trơn vì sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh kiểm tra thuế.
Cụ thể, khảo sát cũng cho thấy, 53% doanh nghiệp cho biết bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ và 39% cho biết bị kéo dài thời gian làm thủ tục. Có 16% cho biết, thái độ của cán bộ thuế không văn minh, lịch sự. Khoảng 5% cho rằng có những phân biệt đối xử khác như sẽ gặp khó khăn hơn trong những lần thanh, kiểm tra sau, bị suy diễn quy định thuế bất lợi cho doanh nghiệp…
Cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 3 doanh nghiệp phải chi phí "bôi trơn" cho cơ quan thuế. (Nguồn: Bizlive) |
Về thủ tục thanh tra, kiểm tra thuế, theo thống kê, trong khi chỉ có 32% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng cho biết có bị thanh tra kiểm tra thuế thì với đơn vị có doanh thu từ 1-10 tỷ đồng, tỷ lệ này lên tới 53%. Thậm chí, với nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng, 74% số đơn vị được hỏi cho rằng họ có tiếp đón đoàn thanh kiểm tra thuế trong vòng 1 năm trở lại đây.
Ông Tuấn nhận định đây là dấu hiệu rất đáng ngại, về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng không tốt. Doanh nghiệp sẽ khó có động lực để lớn lên vì tỷ lệ bị thanh kiểm tra thuế cao.
Ông Tuấn cũng tiết lộ, riêng việc thanh kiểm tra cũng bị doanh nghiệp than phiền là chồng chéo. “Ngoài cơ quan thuế còn có công an, kiểm toán, quản lý thị trường hay thậm chí… kiểm lâm”, đại diện của VCCI lo ngại.
Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế, mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 được khảo sát trên gần 3.500 doanh nghiệp trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 2 khảo sát nghiên cứu, đánh giá được thực hiện nhằm tập hợp những đánh giá, cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc đối với hoạt động cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế. |