Canada mong muốn tham gia sâu rộng hơn nữa vào hợp tác khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì. (Ảnh: HNM) |
Trong các cuộc họp cấp cao gần đây, Canada luôn khẳng định coi trọng mối quan hệ đối tác 45 năm qua với ASEAN, nhấn mạnh ASEAN và khu vực Đông Nam Á giữ vị trí trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, đồng thời tiếp tục bày tỏ mong muốn tham gia sâu rộng hơn nữa vào hợp tác khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì.
Để kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác hai bên (1977-2022), vừa qua cấp Trưởng SOM đã đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Canada nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN cuối năm 2022 tại Campuchia và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.
Ủng hộ vai trò và nỗ lực của ASEAN
Canada là một trong những đối tác sớm thiết lập quan hệ với ASEAN từ 1977, và nâng cấp lên quan hệ đối tác tăng cường từ năm 2006. Canada cử Đại sứ tại ASEAN từ năm 2009 và thành lập Phái đoàn Canada tại ASEAN năm 2016; gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ngày 23/7/2010.
Về cơ chế, hai bên duy trì đối thoại ở cấp Bộ trưởng (PMC hàng năm), Quan chức cấp cao (SOM), Ban điều phối chung (JCC). Cấp cao ASEAN-Canada gần đây nhất được tổ chức năm 2017, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hai bên.
ASEAN và Canada hiện triển khai hợp tác trên tất cả các lĩnh vực về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và trên cơ sở Kế hoạch hành động triển khai Quan hệ Đối tác Tăng cường ASEAN-Canada giai đoạn 2021-2025 (tiếp nối Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020). Malaysia là nước điều phối quan hệ ASEAN-Canada giai đoạn 2021-2024.
Bên cạnh đó, ASEAN và Canada cũng tăng cường phối hợp tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Trong ARF, Canada quan tâm tới hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển và chống phổ biến và giải trừ quân bị.
Trong giai đoạn 2020-2021, Canada đồng chủ trì Hội thảo ARF về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) với Indonesia và Thái Lan; Hội thảo ARF lần thứ 3 về thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các công cụ pháp lý quốc tế khác với Việt Nam, EU, Australia và Ấn Độ...
Việt Nam và Canada đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo ARF lần thứ 2 về thực thi UNCLOS và các văn kiện quốc tế khác để xử lý các thách thức mới nổi lên trên biển (11/2019) và Hội thảo ARF về hoạt động gìn giữ hòa bình (12/2017).
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, ASEAN và Canada nhấn mạnh cần chung tay bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải tại các vùng biển trong khu vực, tạo thuận lợi cho đà phục hồi, hợp tác và phát triển.
Canada khẳng định ủng hộ vai trò và những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin tại khu vực, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và những nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN-Canada ngày 4/8 tại Campuchia. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hướng tới một FTA thiết thực, cùng có lợi
Hiện tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 19,9 tỷ USD và FDI từ Canada vào ASEAN đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2020. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, nỗ lực đàm phán xây dựng Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Canada mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp hai bên.
ASEAN thường xuyên tổ chức đối thoại với Canada qua cơ chế Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Canada (AEM) và Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM). Ngoài ra, ASEAN và Canada đã thiết lập cơ chế Hội đồng kinh doanh ASEAN-Canada (CABC) tại Tham vấn AEM-Canada lần thứ nhất vào tháng 8/2012 nhằm thúc đẩy cơ hội kinh doanh và xây dựng mạng lưới kinh doanh giữa hai bên, hiện đã bao gồm 50 công ty hoạt động kinh doanh trong khu vực.
ASEAN và Canada đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs), kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, bao gồm thông qua. Vừa qua ngày 4/8, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada, Canada đã công bố thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 1 triệu CAD.
Canada tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ở Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua chương trình Học bổng ASEAN và Trao đổi Giáo dục cho phát triển (SEED) 5 năm trị giá 10 triệu USD, được khởi động vào tháng 8/2017. Kể từ khi thành lập, chương trình SEED đã cung cấp 325 suất học bổng cho sinh viên ASEAN đến học tập hoặc nghiên cứu tại Canada. Năm nay, Canada cho biết sẽ cung cấp 201 suất học bổng cho sinh viên ASEAN.
Về ứng phó Covid-19, Canada khẳng định phối hợp với ASEAN phòng chống dịch bệnh thông qua các cam kết như triển khai hỗ trợ các vật tư, thiết bị y tế cho khu vực, và cung cấp 690 nghìn thiết bị bảo hộ cá nhân PPE cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Canada cũng hỗ trợ 5 triệu USD cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để hỗ trợ cung cấp các thiết bị chẩn đoán, bộ kít thử Covid-19 và hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 20 nước có nhu cầu, trong đó có một số nước ASEAN.
Canada đã bày tỏ mong muốn đóng góp cho nỗ lực ứng phó dịch bệnh của ASEAN thông qua mong muốn đóng góp 3,5 triệu CAD trong 5 năm tới cho Quỹ Ứng phó với Covid-19.
Trong hợp tác phát triển, bên cạnh việc thành lập Trung tâm Cơ sở hạ tầng xuất sắc ASEAN (AICOE), Canada tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong lĩnh vực kết nối, thông qua Hội thảo trực tuyến về Kết nối (Connect the Connectivities) tổ chức tháng vào tháng 1/2021, và Diễn đàn Xã hội hóa của Khuôn khổ Cải thiện Năng suất Cơ sở hạ tầng ASEAN trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, tổ chức tháng 5/2021.
Tại Phiên họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 (PMC) của ASEAN với Canada vào ngày 10/9/2020, Canada đã công bố khoản tài trợ mới của mình cho ASEAN, lên tới 9,1 triệu CAD, tập trung các ưu tiên khu vực như tăng cường bảo vệ biên giới, chống buôn lậu người di cư và an ninh mạng...