📞

45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Một câu chuyện về sự chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết nên

PV 10:03 | 22/10/2022
Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ rằng, kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc chính là dịp để kỷ niệm một quan hệ đối tác bền chặt, một hành trình đáng nhớ, một câu chuyện về sự chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết nên.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Báo TG&VN giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng thư ký António Guterres tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tại Hà Nội, tối 21/10.

Kính thưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc,

Thưa các quý vị,

Thưa các bạn,

Xin chào!

Tôi xin cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của các quý vị.

Tôi vô cùng vinh dự được cùng các quý vị tham dự Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Hôm nay, chúng ta không chỉ kỷ niệm một quan hệ đối tác bền chặt – chúng ta còn kỷ niệm một hành trình đáng nhớ, một câu chuyện về sự chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết lên.

Cách đây không lâu, các nhân viên Liên hợp quốc thế hệ trước còn phải cung cấp viện trợ lương thực cho Việt Nam, một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực chờ. Hôm nay, chính Việt Nam đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở một số nơi tuyệt vọng nhất trên thế giới.

Cách quê hương hàng nghìn dặm - ở những nơi xa xôi như Cộng hòa Trung Phi - những người lính Việt Nam đang dấn thân vào hiểm nguy để những người dân nơi đây có được hòa bình, hy vọng và cơ hội về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là hành trình mà hôm nay chúng ta đang cùng nhau kỷ niệm - một hành trình đi từ chiến tranh đến hòa bình, từ nhận viện trợ đến tự cường, từ nghèo đói đến phát triển.

Trên trường quốc tế, Việt Nam ngày nay không chỉ là nước đóng góp quan trọng cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mà còn có tỷ lệ nữ quân nhân tham gia nhiều gấp đôi so với tỷ lệ bình quân của nữ quân nhân trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam đã hai lần được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – và chủ trì thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an về việc đề cao Hiến chương Liên hợp quốc.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác và hội nhập trên khắp Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Tỷ lệ đói nghèo cùng cực, bệnh tật, tử vong trẻ em đã giảm mạnh. Tỷ lệ biết chữ và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, điện và nước uống sạch ngày càng tăng - cùng với thu nhập của người dân được cải thiện.

Việt Nam đã hoàn thành và trong một số trường hợp đã vượt hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Dù còn nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.

Những thành quả này là minh chứng mạnh mẽ cho sự kiên cường và nỗ lực vượt khó của người Việt Nam, và cũng như chính sách lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Hướng về tương lai, chúng ta cần tiếp tục viết nên chương mới trong câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam. Đó là tạo thêm việc làm bền vững cho phụ nữ và thanh niên, trong đó thông qua Chương trình toàn cầu về thúc đẩy việc làm và bảo trợ xã hội vì sự chuyển đổi công bằng.

Đó là tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình phát triển nền kinh tế xanh. Đó là thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân. Đó là giải quyết tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường. Đó là triển khai các nỗ lực đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, củng cố Nhà nước pháp quyền.

Tôi ghi nhận thành công mới của Việt Nam khi vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người chính là nền tảng để phát huy những điều tốt đẹp nhất trong xã hội chúng ta. Quyền con người là nền tảng của tinh thần đoàn kết, sự hòa nhập, bình đẳng và tăng trưởng, sự tự do và ổn định lâu dài.

Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là cơ hội để mỗi quốc gia thành viên: Đề cao quyền con người trên mọi góc độ - từ xã hội, kinh tế và văn hóa, đến các quyền chính trị và dân sự. Thúc đẩy các quyền tự do cơ bản cho mọi người dân.

Tạo điều kiện và thúc đẩy để các tổ chức, đoàn thể của nhân dân, các tổ chức phi chính phủ tham gia góp phần đưa các quyền con người thực sự đi vào cuộc sống.

Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với các quý vị vì hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người cho tất cả mọi người.

Thưa các bạn,

Thế giới của chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nền kinh tế của các nước đang phát triển không chỉ đương đầu với hậu quả của đại dịch Covid-19 mà còn đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng khác - từ ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine đến việc tăng giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát gia tăng, gánh nặng nợ công và không gian tài khoá ngày càng bị thu hẹp.

Các nước đang phát triển là nạn nhân của sự bất bình đẳng và bất công trong hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Điều này càng cho thấy tính cấp thiết cần cải cách hệ thống này. Chúng ta cần đoàn kết và hợp tác hơn nữa.

Cuộc chiến chống lại khủng hoảng khí hậu chính là mặt trận mà chúng ta phải đoàn kết hơn bao giờ hết. Nhiệt độ Trái đất chỉ mới tăng 1,2 độ mà chúng ta đã phải chứng kiến những hệ quả khủng khiếp về khí hậu. Đất nước Việt Nam - với hơn 3.000 km bờ biển, nhiều thành phố và vùng đồng bằng trũng thấp - đang ở tuyến đầu hứng chịu tác động gay gắt của biến đổi khí hậu.

Gần một phần tư dân số Việt Nam đang sinh sống tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là trung tâm nông nghiệp và công nghiệp của đất nước.

Đây cũng là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt và cường độ mưa thay đổi thất thường.

Nếu không có hành động chung về khí hậu toàn cầu, chỉ trong thập kỷ này, hơn một triệu người Việt Nam có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Lúc đó thiệt hại về kinh tế của biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể tăng gấp 50 lần vào năm 2050.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres trò chuyện với các chiến sĩ mũ nồi xanh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thưa các bạn,

Các nền kinh tế G20 cộng lại chiếm 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và 80% GDP toàn cầu. Đây chính là những quốc gia cần đi tiên phong. Những nước này cần giảm lượng khí thải trong thập niên này - để giữ Trái đất chỉ ấm lên ở ngưỡng 1,5 độ - và chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo.

Các nước phát triển phải giữ lời hứa cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. Ít nhất 1/2 dòng tài chính khí hậu quốc tế phải đầu tư cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các nước G20 cần khẩn trương giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu nằm ngoài khả năng thích ứng của quốc gia. Hành động cấp bách để giảm thiểu tổn thất và thiệt hại chính là mệnh lệnh đạo đức giữ vị trí trung tâm, hàng đầu tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập tới đây.

Mỗi quốc gia đều có sứ mệnh riêng của mình. Bởi vì ngay cả khi tất cả các nước phát triển đạt đến mức không phát thải vào năm 2030, chúng ta vẫn sẽ không thể giữ mức ấm lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ nếu toàn thế giới không đồng lòng góp sức. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể ngồi chờ đến sau năm 2030 mới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - đặc biệt là than - hoặc buông xuôi đến khi phát thải toàn cầu đạt mức đỉnh điểm.

Nếu thế giới không cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030, thì việc đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 sẽ là một giấc mơ xa vời. Khi đó hàng tỷ người sẽ phải đối diện với cơn ác mộng về khí hậu.

Giờ đây, chúng ta cần chung tay thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng mang tính toàn cầu, bền vững, công bằng, bao trùm và bình đẳng. Việt Nam đang triển khai quyết định mạnh mẽ về đẩy nhanh giảm điện than, khởi động cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nhưng Việt Nam cần được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và xanh hóa nền kinh tế. Năm ngoái ở Glasgow, tôi đã đưa ra đề xuất về tăng cường hỗ trợ có trọng điểm hướng tới thực hiện mục tiêu chung này. Đó là việc xây dựng các liên minh hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi tiến hành cắt giảm các nguồn phát thải lớn ngay từ bây giờ.

Đây là liên minh gồm các nước phát triển, các tổ chức tài chính và những nước có trình độ công nghệ cao. Chúng tôi gọi những liên minh này là Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng công bằng.

Và Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong tiến trình đó. Việt Nam đang đi tiên phong trong việc thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công bằng và bao trùm sang năng lượng tái tạo.

Thông qua những Quan hệ Đối tác này, Việt Nam đang kiến tạo nên một công cụ mới và quan trọng, cho phép thế giới đạt được những mục tiêu cắt lượng khí thải trong thập kỷ 2020.

Và các bạn cũng đang mở ra một hướng đi mới để toàn khu vực có thể chuyển đổi từ một khu vực phát thải nhiều do điện than thành một trung tâm kinh tế xanh của thế giới. Việt Nam đã phát huy vai trò lãnh đạo thông qua thiết lập các Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), qua đó khởi động tiến trình phối hợp ở các cấp độ chưa từng có trong khuôn khổ chính phủ Việt Nam cũng như với các đối tác.

Thông qua Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, Việt Nam đang trở thành hình mẫu phát triển mới để cả thế giới tham khảo. Việt Nam đang làm chủ, định hình, và là động lực thúc đẩy Quan hệ Đối tác này.

Thành công của Việt Nam sẽ đòi hỏi cách tiếp cận toàn xã hội – từ thanh niên, các tổ chức phi chính phủ, cho tới khu vực tư nhân, cùng chung tay với Chính phủ và Quốc hội trên tinh thần đối thoại cởi mở và chân thành. Cá nhân tôi sẽ tham gia cùng thúc đẩy các đối tác thực hiện đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính một cách nhanh chóng, với quy mô lớn, và với nhiều mức ưu đãi đối với Việt Nam.

Thưa các Quý vị,

Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, nhưng hành trình phát triển của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới. Để chúng ta có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu. Để chúng ta không bỏ lại ai ở phía sau. Để các bạn có thể chuyển đổi nền kinh tế của mình và thay đổi thế giới.

Liên hợp quốc tự hào khi được là đối tác của Việt Nam-từng bước trên chặng đường này. Tiến lên, cùng tiến lên. Chúng ta sẽ cùng đi lên, đúng như lời cổ vũ trong bản Quốc ca Việt Nam.

Xin cảm ơn Quý vị và các bạn.