Từ đi bộ leo núi gặp gỡ người dân sống trên đồi núi đến đi thuyền trên sông ngầm, lướt ván theo phong cách phim Apocalypse Now, khám phá những ngôi làng 1.200 năm tuổi và tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống, Việt Nam mang đến vô số trải nghiệm du lịch độc đáo.
Kể từ năm 2020, các hoạt động này đã bị giới hạn đối với du khách nước ngoài do yêu cầu nhập cảnh nghiêm ngặt của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Một tin vui là Việt Nam mở cửa trở lại vào ngày 15/3. Theo The National News (UAE), dưới đây là 5 lý do đầy thuyết phục chọn Việt Nam làm điểm đến.
Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Ronan O'Connell) |
Lịch sử văn hóa lâu đời
Trong nhiều thế kỷ, công trình kiến trúc cổng đá hình vòm này là lối vào làng cổ Đường Lâm 1.200 năm tuổi, một trong những ngôi làng còn nguyên vẹn lâu đời nhất ở Việt Nam.
Các thành phố của Việt Nam đã hiện đại hóa rất nhanh trong hơn 20 năm qua, nhưng khách du lịch không cần phải đi quá xa khỏi đô thị để trải nghiệm khung cảnh truyền thống.
Chỉ cách Thủ đô Hà Nội 60 km về phía Tây, dọc những con đường nhuốm màu xưa cũ của Đường Lâm là những ngôi đền, miếu và hội quán lịch sử đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
Đường Lâm chủ yếu vẫn là một ngôi làng nông nghiệp, bao quanh là những cánh đồng lúa, lạc, khoai lang và rau bó xôi. Không có thắng cảnh lạ thường nào, cũng như không có chùa chiền lớn hay khu chợ ồn ào.
Những gì ngôi làng mang lại giản dị hơn vậy: một cái nhìn sâu sắc về các cộng đồng nông thôn yên bình của Việt Nam, nơi còn lưu giữ các phong tục truyền thống. Tại đây, du khách có thể xem người dân địa phương dệt bù nhìn từ rơm, diễn các câu chuyện ngụ ngôn cổ trong lễ hội hoặc lùa trâu nước qua khu đất trống.
Chèo thuyền ở Tam Cốc. (Ảnh: Ronan O'Connell) |
Đi thuyền trên sông ngầm
“Khi con thuyền trôi vào bóng tối bên dưới một ngọn núi đá vôi khổng lồ, tôi ngạc nhiên vì mình không cảm thấy hoảng hốt. Ban đầu đọc về con sông ngầm chảy qua 3 hang động khổng lồ của Việt Nam này, tôi cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên, vẻ đẹp của khung cảnh này đã khiến tôi choáng ngợp và cảm giác chèo thuyền dưới vách núi đến mức không hề thấy sợ”.
Đó là những chia sẻ của nhà báo Ronan O’Connell về trải nghiệm đi thuyền ở Tam Cốc.
Tại đây, sông Ngô Đồng chảy qua từng cái hang, uốn lượn qua một thung lũng được tôn tạo bởi đất nông nghiệp và bao quanh bởi các đỉnh núi.
Du khách có thể tham gia trải nghiệm bằng thuyền trong ngày bởi nơi đây chỉ cách Hà Nội khoảng 100 km về phía Bắc.
Các chuyến đi dài hơn sẽ tiếp tục ngược sông đến chùa Bích Động. Ngôi đền cổ kính này bám vào sườn núi và có tầm nhìn tuyệt đẹp ra thung lũng.
Lướt ván ở bãi biển Mỹ Khê. (Ảnh: Ronan O'Connell) |
Vùng biển lướt sóng an toàn
Hơn 40 năm trước, khung cảnh lướt sóng của Apocalypse Now đã biến Việt Nam thành một điểm đến mới mẻ không ngờ tới cho những du khách thích cưỡi sóng. Có riêng một dải cát ở đây vẫn nổi tiếng nhờ bộ phim đó.
Bãi biển Mỹ Khê từng làm nền cho cảnh chiến tranh Việt Nam, nơi có 2 người đang lướt sóng trong khi làng mạc bị đánh bom ở hậu cảnh.
Bối cảnh hùng vĩ này trên bờ biển miền Trung của Việt Nam đã trở nên yên bình đến lạ. Hiện nay, đường bờ biển nhộn nhịp hơn với nhiều khu nghỉ dưỡng, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước muốn chinh phục những đợt sóng lớn tại đây.
Ngay cả những du khách chưa bao giờ lướt sóng cũng có thể tham gia, nhờ một người Bồ Đào Nha đã ở lại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch.
Trong gần một thập kỷ, tay lướt sóng kỳ cựu Goncalo Cabrito điều hành Trường dạy lướt sóng Đà Nẵng. Giờ đây, anh có thể chào đón những du khách nước ngoài trở lại để học kiến thức cơ bản về lướt sóng trước khi thử sức ở bãi biển Mỹ Khê.
Một cửa hàng gốm ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ronan O'Connell) |
Nghề thủ công truyền thống
Nón lá đã được sử dụng ở Việt Nam hơn 1.000 năm nay. Hầu hết sản phẩm nón lá hiện nay được "ra lò" từ các xưởng công nghiệp, song du khách vẫn có thể học hỏi cách làm nón lá thủ công từ những nghệ nhân giàu kinh nghiệm ở các điểm tái hiện làng nghề tại Hà Nội.
Đây chỉ là một trong rất nhiều loại hình nghệ thuật và hàng thủ công truyền thống của Việt Nam mà du khách có thể tìm hiểu. Chỉ riêng tại Hà Nội, có hàng chục xưởng thủ công hướng dẫn từng bước các hoạt động giải trí như thư pháp Việt, vẽ màu nước và nặn mặt nạ lễ hội.
Trong khi đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể học những kiến thức cơ bản về tạo hình đồ đất nung của Việt Nam trong một xưởng gốm mở cửa cho khách du lịch.
Nụ cười người dân Sa Pa. (Ảnh: Ronan O'Connell) |
Những ngôi làng dân tộc trên đồi
Cách Hà Nội khoảng 250 km về phía Tây Bắc, những cánh đồng lúa từng tầng đổ xuống núi, những ngôi làng cổ xưa là nơi sinh sống của những người dân trên đồi độc đáo.
Đây là Sa Pa - một điểm đến biệt lập, đẹp như tranh vẽ và yên tĩnh tuyệt vời gần biên giới Việt Nam với Trung Quốc. Cảnh tượng ở Sa Pa có thể giúp rũ bỏ tâm trạng căng thẳng và lo âu do 2 năm đại dịch gây ra.
Nhà báo O’Connell cho hay, “lần gần nhất tôi đi bộ trên những con đường mòn xuất hiện sương mù che khuất những đỉnh núi phía trên. Hoạt động thể thao nhiều năng lượng này cùng với khung cảnh tuyệt đẹp đã đưa tâm trí tôi vào trạng thái rất thoải mái”.
Thị trấn Sa Pa tương đối nhộn nhịp, nhưng nếu đi theo những con đường dẫn vào vùng nông thôn, du khách sẽ sớm đến với những ngôi làng dân tộc thú vị nằm trên đồi.
Người Mông, người Tày, người Dao đỏ và người Giáy đã cư trú trên vùng đất hoang sơ này trong nhiều thế kỷ. Họ tiếp tục sống dựa vào thiên nhiên, mặc những bộ quần áo đầy màu sắc có hoa văn cầu kỳ mà chỉ thuộc về dân tộc của họ.