Các quy định mới của Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. (Nguồn: Dân trí) |
Không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
Từ hôm nay 1/7, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành. Điều 38 Luật Cư trú quy định, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp; đồng thời thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Để giải quyết vướng mắc cho người dân có thể gặp phải khi không được cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Điều 17 Thông tư số 55/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều Luật Cư trú (cũng có hiệu lực từ ngày 1/7) đã quy định về việc xác nhận thông tin về cư trú.
Công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Thu hồi chứng minh nhân dân khi đổi sang thẻ căn cước công dân
Ngày 1/7/2021, Thông tư số 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành.
Theo đó, công dân sử dụng số định danh cá nhân trong giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mã QR code trên thẻ căn cước công dân có lưu thông tin về số căn cước công dân, số chứng minh nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số căn cước công dân, số chứng minh nhân dân của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân, căn cước công dân.
Trường hợp trong mã QR code trên thẻ căn cước công dân không có thông tin về số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân cũ thì cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân cũ cho công dân khi có yêu cầu...
Thời hạn cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân tối đa không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Tại Thông tư số 60, Bộ Công an yêu cầu thu hồi chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, đổi thẻ căn cước công dân.
Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 về ưu đãi về người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng dự Chương trình gặp mặt Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. (Ảnh: Phạm Công) |
Pháp lệnh đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng và xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; tổ chức lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật...
Tăng trợ cấp cho nhiều đối tượng
Theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nhiều khoản trợ cấp cho các đối tượng được điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/7/2021.
Đơn cử, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.
Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.
Những người được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính
Người được xét nghiệm HIV muốn nhận kết quả xét nghiệm phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú và xuất trình giấy tờ thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng. (Nguồn: Dân trí) |
Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Trong đó quy định, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính chỉ được thực hiện tại cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính.
Người được xét nghiệm muốn nhận kết quả xét nghiệm phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có ảnh, thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho những người sau: Người được xét nghiệm; vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự...