Số liệu thống kê được Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) công bố trong báo cáo ngày 18/5 chỉ ra: Trong năm 2015, những kẻ buôn người đã kiếm được hơn 5 tỷ USD từ dịch vụ đưa người tị nạn tới châu Âu.
90% những người tị nạn đến châu Âu thông qua dịch vụ bất hợp pháp. (Nguồn: Telegraph) |
Theo đó, các đường dây đưa người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu thường do các tổ chức tội phạm từng dính vào các hoạt động buôn bán ma túy cầm đầu và lợi nhuận chúng kiếm được từ dịch vụ này là rất lớn.
Năm ngoái, 90% những người tị nạn đến châu Âu thông qua dịch vụ nói trên, với chi phí mỗi chuyến vượt biên có giá khoảng 3.200-6.500 USD. Trong đó hơn 50% trong số 1.500 người vượt biên được hỏi cho biết đã trả khoản chi phí này bằng tiền mặt và khoảng 16% các trường hợp thanh toán khác được chính các thành viên gia đình người tị nạn đã tới châu Âu trước đó chi trả.
Báo cáo cũng cho thấy, để hợp pháp hóa những khoản tiền bẩn khổng lồ thu được, bọn buôn người sử dụng hình thức chuyển tiền qua biên giới bằng cả đường bộ và hàng không, sau đó chúng lại tìm cách "rửa" các khoản tiền trên thông qua các cửa hàng bán thực phẩm khô, các nhà hàng hay các doanh nghiệp vận tải.
Theo số liệu thống kê của Europol và Interpol, hơn 1 triệu người di cư đã tới châu Âu trong năm ngoái và con số này dự kiến sẽ còn cao hơn trong năm nay. Riêng tại Libya, khoảng 800.000 người tị nạn đang chờ cơ hội vượt biển sang các nước EU bất chấp nguy hiểm đe dọa tính mạng. Theo thống kê của Nhóm các nhà báo từ hơn 10 nước châu Âu - The Migrants Files, 1.473 người đã bỏ mạng trên đường tới "lục địa già" trong năm ngoái. Còn tính riêng từ đầu năm tới nay, số người chết là 1.134 người.
Làn sóng nhập cư vẫn đang khiến EU gặp khó khăn. (Nguồn: The Economist) |
Anh vẫn là "miền đất hứa"
Liên quan tới vấn đề người di cư, Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố số liệu mới nhất về lực lượng lao động cho thấy, tính đến tháng 3/2016, số lao động nhập cư từ các nước EU đến làm việc tại Anh đã tăng thêm 224.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, lên con số kỷ lục là 2,15 triệu người.
Số liệu của ONS, cho thấy chiếm đông nhất trong lực lượng lao động EU tại Anh là công dân các nước Tây Âu như Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Số lao động từ các nước thành viên mới hơn của EU như Romania và Bulgaria cũng tăng nhẹ, sau khi những quy định cuối cùng về hạn chế nhập cư áp dụng cho người lao động của hai nước này được gỡ bỏ từ đầu năm 2014. Trong khi đó, lượng người nhập cư từ các nước nằm ngoài EU vẫn duy trì ở mức khoảng 1,19 triệu người.
Cũng theo ONS, tổng số lao động nhập cư trong và ngoài EU tại Anh trong năm qua tăng 229.000 người, trong khi số lao động Anh cùng thời gian này cũng tăng 185.000 người. Hiện có 28,15 triệu người bản xứ và 3,34 triệu người nước ngoài tham gia lực lượng lao động Anh. Điều này có nghĩa là lao động nhập cư hiện chiếm khoảng 10,6% lực lượng lao động tại Anh, tăng chỉ 3,5% kể từ năm 1997 khi ONS bắt đầu có thống kê trong lĩnh vực này.
Giới quan sát đánh giá kết quả thống kê trên cho thấy Anh hiện vẫn là "miền đất hứa" đối với người lao động châu Âu. Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thuế và hải quan Anh (HMRC), trong năm tài khóa tính đến tháng 4/2014, người nhập cư EU mới đến Anh đóng tổng cộng 3,1 tỷ bảng Anh (khoảng 4,5 tỷ USD) tiền thuế thu nhập và bảo hiểm, trong đó tổng giá trị phúc lợi mà họ nhận được là 556 triệu bảng (hơn 808 triệu USD). Như vậy, người nhập cư EU đã đóng góp 2,5 tỷ bảng (hơn 3,6 tỷ USD) vào nền kinh tế Anh.