Vượt gian nan vươn tới thành công
Trong bài viết nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã so sánh 50 năm chỉ như một “chớp mắt” của lịch sử, song với ASEAN đó là cả một chặng đường dài với bao gian khó nhưng có những mốc son lưu dấu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí về ASEAN, ngày 1/8/2017. (Ảnh: Tuấn Anh). |
“Một lĩnh vực nữa ASEAN hết sức quan tâm trong thời gian tới là làm sao xây dựng cộng đồng tự lực phát triển, đồng thời tăng cường đoàn kết và đóng vai trò trung tâm ở khu vực. Xây dựng được sự đoàn kết là hết sức quan trọng đối với sự sống còn của ASEAN, bởi đó là mẫu số chung lớn nhất của lợi ích của các nước thành viên ASEAN. Chỉ có duy trì được đoàn kết, ASEAN mới duy trì được vai trò trung tâm của mình”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh |
Những gì ASEAN làm được trong nửa thế kỷ qua là hoàn toàn xứng đáng, không để hoài phí mỗi khoảnh khắc của thời gian. ASEAN đã biến Đông Nam Á từ khu vực của chiến tranh, xung đột trở thành khu vực hòa bình, ổn định. Chưa bao giờ Đông Nam Á thịnh vượng như ngày nay và có lẽ, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên bầu trời hòa bình, tươi sáng đó. Đây là giá trị lớn nhất, quan trọng nhất của ASEAN.
Đặc biệt, ASEAN có sức hấp dẫn đối với tất cả các nước có quan hệ kinh tế với Hiệp hội, bởi ASEAN tạo dựng được một mạng lưới liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, tạo dựng được thị trường ba tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội đạt 20 nghìn tỷ USD. Đó là mối quan hệ kinh tế mà các tiểu khu vực khác khó đạt được so với ASEAN.
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao khi trả lời phỏng vấn TG&VN đã cho rằng 10 quốc gia láng giềng anh em đã cùng tạo ra công cụ mới, cung cách ứng xử mới giữa các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực, đa dạng hóa mối quan hệ chủ yếu mang tính chất song phương thành đa phương. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn có vai trò cầm lái trong những diễn đàn, tạo khuôn khổ để các nước Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương ngồi lại cùng với nhau.
Có thể khẳng định rằng, ASEAN đã hình thành một khuôn khổ hợp tác ở trong khu vực tương đối ổn định. Các trung tâm lớn trên thế giới đều phải thừa nhận điều này và sẵn sàng đến với ASEAN để được tham gia vào cơ chế ổn định mà ASEAN dẫn dắt.
Đồng lòng để vững bước
Đạt được những thành công quan trọng là bởi đi qua mỗi chặng đường, ASEAN lại có cho mình những bài học để vững vàng, đoàn kết hơn trong đối mặt với khó khăn, thách thức. Thách thức, khó khăn mỗi thời điểm lại mang một gam màu khác nhau nhưng luôn tồn tại. Trong đó, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, yếu tố chủ quan là tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động hiệu quả chưa cao, thỏa thuận nhiều song triển khai còn hạn chế, trình độ phát triển kinh tế đa dạng, nhận thức của người dân về ASEAN chưa đủ, lợi ích và ưu tiên của mỗi nước khác nhau.
Nhân tố khách quan là tác động không thuận từ cạnh tranh giữa các nước lớn cũng như những biến chuyển nhanh của tình hình khu vực và quốc tế. Rõ ràng, ASEAN đang đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi có tính cơ bản từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh trọng trách đặt lên vai các nước thành viên càng thêm nặng. Để có thể tận dụng các cơ hội, ứng phó kịp thời các thách thức, tất cả các nước thành viên cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa, đề cao đoàn kết và liên kết nội khối, triển khai nghiêm túc các chương trình và kế hoạch đặt ra một cách hiệu quả, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực chung cũng như xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực.
Quan trọng hơn, các thành viên cần tăng cường học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt từ những người anh em để góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, thu ngắn quãng đường đi đến đích, để thực sự “cùng vững vàng tiến bước”, thực sự phát huy ý nghĩa của hai chữ “cộng đồng”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng dẫn câu châm ngôn Việt Nam “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để gửi gắm thông điệp rằng 10 cây trong ASEAN chụm lại sẽ thành núi rất cao.
Điều không thể phủ nhận là năm thập kỷ qua, đứng trước bất cứ “cái vặn mình” nào của khu vực và thế giới, ASEAN đều có những điều chỉnh để thích nghi và luôn luôn tìm kiếm sự linh hoạt. Năng động là điều mà mỗi người đều có thể cảm nhận được ở một tổ chức 50 năm tuổi. Với những tố chất đó, ông Trần Việt Thái hy vọng tương lai ASEAN sẽ tiếp tục khẳng định được sức sống, thích ứng tốt hơn với bối cảnh và thách thức mới. “Chẳng ai có thể tiên đoán ‘tuổi thọ’ của một tổ chức và cũng khó có thể đoán trước được tương lai. Tuy vậy, chúng ta cần luôn có niềm tin vào ASEAN, vào tiến trình nhất thể hóa của ASEAN, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay và nhu cầu hợp tác, gắn kết là tất yếu”, ông nói.
Cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại thủ đô Manila, Philippines, 28/4. (Nguồn: AP). |
Ngày 8/8/1967, Bộ trưởng Ngoại giao năm nước Đông Nam Á đã cùng ký vào bản Tuyên bố Bangkok, khai sinh ra ASEAN. Hội nghị Cấp cao ASEAN họp lần đầu tiên năm 1976, thể hiện mức độ quan tâm cao hơn và cam kết chính trị mạnh mẽ hơn dành cho hợp tác ASEAN. Năm 2007, ASEAN ghi thêm một mốc son mới bằng việc ký kết Hiến chương ASEAN. Từ ý tưởng sơ khởi về một cộng đồng ASEAN trong Tuyên bố Hòa hợp Bali II (2003), ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. |
Cùng thắp sáng ngọn lửa chung
Những thế hệ trưởng thành trong hơn hai thập kỷ qua đều cảm nhận được sự tôn trọng của bạn bè trong khu vực đối với Việt Nam kể từ khi ta gia nhập ASEAN. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với khu vực, mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình và hợp tác.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Chúng ta đã đóng góp vào thành quả của ASEAN với tâm thế cùng thắp sáng ngọn lửa chung, nỗ lực không ngừng nghỉ vì các mục tiêu của cả Cộng đồng.
Đó là nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy kết nạp các nước Đông Nam Á còn lại để hình thành ASEAN-10. Đó là vai trò tích cực của Việt Nam trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN. Đó là dấu ấn Việt Nam trong các sự kiện lớn như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất.
Từ khi Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng Cộng đồng. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Để đi được chặng đường dài, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam cần hoàn thành những mục tiêu ngắn. Trên cơ sở những mục tiêu và kế hoạch chung ASEAN đã xác định trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột cộng đồng, với thế và lực mới, Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác ASEAN trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi sâu rộng hơn các giai đoạn trước đó, là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN.
Ông Trần Việt Thái cho rằng: chàng thanh niên 22 tuổi chắc chắn có nhiều đổi khác so với những năm tháng đầu. 22 tuổi là thời điểm chín muồi, đủ trưởng thành, sức và lực để có thể khẳng định mình. Việt Nam trong ASEAN cần phải là chàng trai như vậy. Để làm được điều đó, Việt Nam cần sự tham gia ngày càng sâu rộng của các Bộ, ngành, đội ngũ cán độ chủ động hội nhập vào khu vực, chủ trì và triển khai được các hoạt động.
Có thể thấy, “ASEAN ngày nay đã là mái nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á, với nền móng chắc chắn và những trụ cột vững vàng. Với quyết tâm’đảm bảo sự phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, đặt hạnh phúc, đời sống và phúc lợi của nhân dân ở vị trí trung tâm của tiến trình xây dựng cộng đồng’, chúng ta tin tưởng Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển bền vững và thịnh vượng” như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh.