Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại Đồng Nai. (Nguồn: BHXH Đồng Nai) |
Chính sách, pháp luật BHXH của Việt Nam cơ bản đảm bảo tính bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Thực tiễn cho thấy, chính sách BHXH đang dần phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh cho nhóm lao động nữ.
Theo BHXH Việt Nam, trong tổng số người đang hưởng lương hưu hàng tháng, phụ nữ chiếm tỷ lệ 55,9%. Giai đoạn 2016 - 2023, có 12,8 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản. Bình quân có khoảng 1,6 triệu lượt người hưởng thai sản; có năm ghi nhận số lượt người hưởng tăng cao lên đến trên 2 triệu lượt (năm 2019). Riêng năm 2023, đã ghi nhận trên 1,54 triệu lượt người hưởng, tăng 22% so với năm 2022.
Lao động nữ khi tham gia lao động cũng sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe, sinh con, thời gian hành kinh… Do đó, người lao động nữ được hưởng 15 quyền lợi mà người sử dụng lao động phải lưu ý trong quá trình sử dụng lao động nữ.
Đó là lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản 1 lần/năm; được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh; được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi; không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ
Mặt khác, lao động nữ được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ; không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ; được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng; được đảm bảo việc làm sau chế độ thai sản
Ngoài ra, lao động nữ không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu DN sử dụng hơn 1.000 lao động nữ; được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai; được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai. Bình đẳng với lao động nam về lương, thưởng, thăng tiến; được hưởng BHXH chế độ thai sản.