Sáng ngày 18/7, ngành tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN và thống nhất kế hoạch triển khai nhiệm vụ từ nay tới hết năm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các Uỷ ban của Quốc hội và các bộ, ngành tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu dầu thô đạt 82,4% dự toán, tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,9% dự toán, tăng 6,9%; thu nội địa đạt 47,6% dự toán, tăng 15,5% (cùng kỳ năm 2017 đạt 45,8% dự toán, tăng 12,9%).
Bộ Tài chính nhận định kết quả thu 6 tháng nêu trên là tích cực. Tuy nhiên, tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp so yêu cầu dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn, nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán).
Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách Trung ương ước đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán. Riêng về thu nội địa, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa - không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết - đạt thấp, dưới 40% dự toán.
Tổng chi NSNN ước đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị.
Đốc thúc tiến độ thu ngân sách của 20 địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các bộ, ngành và địa phương đã bám sát các mục tiêu, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó có sự đóng góp quan trọng, toàn diện của ngành tài chính.
“Kết quả kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách của 6 tháng đầu năm tăng trưởng cao, các chỉ tiêu vĩ mô khác đều ổn định, hứa hẹn cả năm 2018 cả nước sẽ đạt, vượt nhiều chỉ tiêu như năm ngoái”, Phó Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra rủi ro trong thu ngân sách khi hiện có tới 20 địa phương thu đạt dưới 50% kế hoạch, trong đó Hà Nội và TPHCM đạt xấp xỉ 50% (tuy số thu tuyệt đối cao hơn) là những địa phương trọng điểm thu ngân sách.
Do vậy, ngành tài chính phải tăng cường quản lý thu hơn nữa, xây dựng một đề án chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế nhất là đối với khu vực phi chính thức, bằng các giải pháp đẩy mạnh thực hiện hoá đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giảm bớt việc thu thuế khoán. Trên thực tế, TP. Đà Nẵng đã làm tốt chống thất thu thuế khi trước đây, nguồn thu của Thành phố chủ yếu là từ thuế sử dụng đất thì nay nguồn này chỉ chiếm 18%, còn lại là thu từ khu vực sản xuất, thương mại.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thành lập ngay Tổ rà soát, kiểm tra công tác thu của 20 tỉnh đang thu dưới 50% dự toán, làm rõ trách nhiệm của địa phương, Trung ương, không để tới cuối năm các địa phương này hụt thu thì Trung ương phải bù ngân sách hay việc sử dụng nguồn của tỉnh thu ngân sách nhiều hơn bù cho tỉnh thu ngân sách thiếu.
Bộ Tài chính nghiên cứu sửa các luật thuế, trong đó có thuế tài sản phù hợp với tình hình của Việt Nam theo đúng tinh thần cải cách thuế và đúng bản chất chính sách thuế là giảm mức thu thuế mà vẫn tăng được mức đóng góp.
“Áp dụng các biện pháp để năm nay vượt thu ngân sách ít nhất 5% dự toán của Quốc hội giao theo yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh với ngành tài chính, các địa phương.
Về chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương chi, nhất là chi thường xuyên như khánh tiết, mua sắm ô tô, đi nước ngoài... Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm cần phải thúc đẩy hơn nữa, đồng thời Bộ Tài chính tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, kịp thời điều chuyển các nguồn vốn, địa chỉ sử dụng vốn, bám sát hơn việc xây dựng dự án Luật sửa đổi Đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội vào cuối năm.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các tỉnh, thành phố để xây dựng tốt hơn dự toán thu chi ngân sách năm 2019, khắc phục tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu còn ngân sách địa phương tăng thu và bảo đảm mức thu sát với tình hình của từng địa phương.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng ủng hộ cải cách của Bộ Tài chính trong giao dự toán chi thường xuyên của bộ, địa phương thì phải bám sát biên chế được giao, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết số 18 và số 19 của Trung ương Đảng khoá XII.
Phát huy giải pháp cải cách nợ công
Trên cơ sở chỉ tiêu thu chi ngân sách được giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành tài chính quyết tâm giữ được bội chi và kiểm soát nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp cải cách nợ công, vừa kiểm soát được nợ, vừa hỗ trợ tăng trưởng. Thực tế vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ cho phép một số dự án nhà máy điện chuyển nợ bảo lãnh thành nợ tự vay tự trả trong nước, đồng thời sử dụng nợ bảo lãnh để dùng cho các công trình cấp bách.
“Đây là nghệ thuật điều hành tài chính. Từ kinh nghiệm này, Bộ phải nhân rộng ra chứ không phải ngành tài chính chỉ suốt ngày đi siết thuế khoá, thắt ngân sách”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Về kế hoạch tài chính trung hạn và đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sớm sơ kết 3 năm thực hiện, tham mưu cho Thủ tướng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh kịp thời, nhất là tiêu chí sử dụng 10% dự phòng đầu tư công trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng tới bội chi ngân sách và trần nợ công.
Đánh giá cao công tác tham mưu điều hành giá của Bộ Tài chính thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan tài chính địa phương tham mưu hội đồng nhân dân địa phương điều chỉnh các loại giá, nhất là giá dịch vụ y tế, học phí, giá vật tư thiết bị của ngành giáo dục hài hoà, hợp lý tránh ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát nói chung; kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu nhất là vào lễ tết, thiên tai bão lũ, nhất là thịt lợn hơi. Bằng giá nào cũng phải kiểm soát lạm phát từ 3,7- 3,9%.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội
Bộ Tài chính sớm có giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, đánh giá đúng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gian lận, làm giá, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Bộ Tài chính sớm triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo quyết định của Thủ tướng để giảm chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư.
Về cổ phần hoá DNNN, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính có phương án thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60 của Quốc hội về giám sát tối cao trong lĩnh vực này, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trong cổ phần hoá, bảo đảm tiến độ và hiệu quả bán vốn Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, bắt đầu từ việc dùng số vượt thu ngân sách của năm 2018 để phục vụ cho cải cách lương từ năm 2021.
Đặc biệt, ngành tài chính đẩy mạnh hơn việc chủ động cung cấp thông tin chính xác trong quản lý, điều hành cho các cơ quan báo chí; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, có trách nhiệm đối với các vấn đề nảy sinh với ngành.