📞

65 năm Hội nghị Geneva – Đánh giá và phân tích sự kiện

13:32 | 17/07/2019
TGVN. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày ký Hiệp định Geneva (20/7/1954-20/7/2019), sáng 17/7, tại Nhà làm việc của Bộ Ngoại giao đã diễn ra buổi nói chuyện với chủ đề: "65 năm Hội nghị Geneva – Đánh giá và phân tích sự kiện”.    

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày ký Hiệp định Geneva (20/7/1954-20/7/2019), sáng 17/7, Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Đảng uỷ - Đoàn thể và Vụ Tổ chức Cán bộ tổ chức buổi nói chuyện về Hiệp định Geneva. PGS. TS. Đại sứ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viên Ngoại giao là diễn giả chính của buổi nói chuyện.

Buổi nói chuyện thu hút đông đảo sự tham gia của các Đảng viên trẻ, Đoàn viên thanh niên trong Bộ, cán bộ và công chức trẻ mới được tuyển dụng.

PGS. TS. Đại sứ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viên Ngoại giao.

Tại buổi nói chuyện, PGS. TS. Đại sứ Dương Văn Quảng đã tóm tắt những sự kiện, diễn biến chính dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva. Hội nghị Geneva được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 2/1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương. Hội nghị khai mạc vào ngày 8/5/1954, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp Trưởng đoàn và kết thúc vào ngày 21/7/1954.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ tháng 3/1954, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các bước thành lập Đoàn đi dự Hội nghị. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneva. Tham gia còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu...

Đông đảo Đảng viên trẻ, Đoàn viên thanh niên trong Bộ, cán bộ và công chức trẻ mới được tuyển dụng tham dự buổi nói chuyện.

PGS. TS. Đại sứ Dương Văn Quảng khẳng định tại buổi nói chuyện, việc tham gia Hội nghị và ký kết Hiệp định 65 năm trước là một thành công lớn của ngoại giao Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam tham dự một cuộc đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc để bàn về các vấn đề liên quan tới quyền cơ bản của chính dân tộc mình.

Hiệp định Geneva khẳng định rõ sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và việc rút hoàn toàn quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam; tạo nên cơ sở pháp lý và nền móng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bền bỉ đi tới thắng lợi, giành được hoàn toàn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước 20 năm sau đó.

Đây là buổi sinh hoạt bổ ích, nhằm cung cấp kiến thức và giúp đảng viên trẻ, cán bộ, đặc biệt là các bạn đoàn viên thanh niên trong Bộ hiểu thêm về Hiệp định Geneva. Thông qua buổi nói chuyện này, thế hệ trẻ trong Bộ được hiểu thêm về lịch sử truyền thống ngoại giao.