Ảnh minh họa. |
Việt Nam là quốc gia phát triển sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một “nền kinh tế xanh” với một lộ trình và bước đi phù hợp. Trong khuôn khổ Chương trình của Bộ Tài Nguyên & Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế xanh cho phát triển bền vững, sáng 28/02, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề: chính sách về phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, những khó khăn và thuận lợi về thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, tài chính và ngân hàng xanh, những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững.
Khẳng định Việt Nam cần có những chính sách sát thực và phù hợp hơn theo xu hướng mới của thế giới đó là hướng tới nền kinh tế xanh, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên & Môi trường nêu một số định hướng cơ bản thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam.
Thứ nhất, cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, phát thải các bon thấp; công nghệ thân thiện môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; không gây ô nhiễm môi trường; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.
Thứ hai, về nhận thức, tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền “kinh tế nâu” (nền kinh tế chỉ chú trọng nhiều tới tăng trưởng kinh tế mà giảm nhẹ bảo vệ môi trường) sang nền “kinh tế xanh” để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về một “nền kinh tế xanh”. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận “nền kinh tế xanh”.
Thứ ba, đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “nền kinh tế xanh” như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; định hướng lại đầu tư, hướng tới mức đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ môi trường…
Thứ tư, đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy chuẩn quốc tế.
Thứ năm, cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển kinh tế xanh được điều chỉnh thông qua công cụ kinh tế và cơ chế tài chính, thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ sáu, đổi mới chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh, cải tiến hệ thống SNA phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia…
Thứ bảy, rà soát lại cơ chế chính sách liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển thời gian qua, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo, những ưu thế của công cụ kinh tế liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, bổ sung và hoàn thiện công cụ này triển khai trong cả nước, sau đó tiếp tục cho các hệ sinh thái đất ngập nước, sinh thái biển, san hô…
Thứ tám, dựa vào tiêu chí quốc tế như đã dự tính của UNEP, đầu tư công toàn cầu 2% GDP cho phát triển kinh tế xanh, tổng kết thời gian vừa qua mức độ đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn thiếu hụt bao nhiêu để bổ sung và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ chín, tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển “kinh tế xanh”, các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng...
Việt Nam đang xây dựng định hướng phát triển theo hướng thúc đẩy kinh tế xanh cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngày 25/09/2013 Chính phủ đã thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Chiến lược thể hiện quan điểm của Việt Nam hướng tới sự phát triển theo hướng bền vững. Mục tiêu của Chiến lược đó là thông qua mô hình tăng trưởng xanh Việt Nam thay đổi mô hình phát triển kinh tế để đạt mức sử dụng các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp về kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, để theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào năm 2020, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là cần thiết và Việt Nam cần có sự điều chỉnh về chiến lược tăng trưởng kinh tế, xây dựng nền kinh tế xanh nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra đó là: tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, coi trọng bảo vệ môi trường.
Minh Anh