Ngày 3/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Slovakia, Gabriela Matecna đã đưa ra thông tin trên sau cuộc họp của nhóm công tác bàn về sự khác biệt trong tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm đang tồn tại ở 9 nước thành viên EU.
Đang tồn tại 2 tiêu chuẩn chất lượng cho cùng 1 loại thực phẩm ở EU. (Ảnh minh họa: Pixabay) |
Bà Matecna nhấn mạnh Litva đã phát hiện có đến 70% số thực phẩm mà nước này kiểm tra có tiêu chuẩn chất lượng khác (thậm chí thấp hơn) so với sản phẩm tương tự được lưu hành tại các nước EU ở Tây Âu, trong đó 50% số thực phẩm có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng.
Theo bà Matecna, 9 nước EU sẽ tìm cách xóa bỏ tình trạng áp dụng "tiêu chuẩn kép" về chất lượng thực phẩm tại EU vì các nước này cũng là thành viên EU nên muốn được sử dụng sản phẩm ở mức tiêu chuẩn ngang bằng nhau. Do đó, các nước này sẽ tăng sức ép lên cả các nhà sản xuất và các thể chế của EU nhằm chấm dứt thực tế này.
Cuộc họp của nhóm công tác trên có sự tham gia của phái đoàn đến từ 9 nước thành viên EU, gồm CH Czech, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Croatia, Slovenia, Romania, Bulgaria và Lithuania. Việc tổ chức cuộc họp này cho thấy một liên minh chống áp đặt "tiêu chuẩn kép" đã được thành lập.
Trước đó, nhiều nước thành viên của EU ở Đông Âu đã thể hiện phản đối sự phân biệt chất lượng thực phẩm tại các quốc gia này khi thực phẩm họ sử dụng có chất lượng kém xa so với ở khu vực Tây Âu, dù chúng được đựng trong bao bì giống nhau.
Họ cho rằng, EU là một thị trường thống nhất và sản phẩm cùng loại của một nhà sản xuất phải tương đồng về chất lượng, thành phần, trọng lượng... ở mọi quốc gia thành viên, do đó sự phân biệt đối xử này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và danh dự của hàng chục triệu người tiêu dùng trong EU.
Mới đây, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo sẽ trừng phạt mạnh tay đối với những hãng sản xuất thực phẩm bán ra các sản phẩm có chất lượng không đồng nhất tại các thị trường nội khối.