Tổng Thư ký PLO Hussein al-Sheikh (giữa) chào đón Ngoại trưởng Antony Blinken trước cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thị trấn Ramallah ở Bờ Tây, ngày 7/2. (Nguồn: Mark Schiefelbein/Pool via REUTERS) |
Kể từ khi xung đột bùng phát trở lại tại Dải Gaza sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, đây đã là chuyến đi lần thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ đến "chảo lửa" Trung Đông.
Theo giới quan sát, các chuyến đi con thoi của ông Blinken tới Trung Đông trong lúc nước sôi lửa bỏng với các bối cảnh khác nhau, với các mục tiêu khác nhau, nhưng tựu chung là nhằm tìm kiếm ngừng bắn, đi đến một giải pháp có thể được các bên chấp nhận về cuộc xung đột Israel - Hamas, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo và ngăn chiến sự lan rộng, tiến tới một giải pháp ổn định lâu dài cho khu vực.
Tin liên quan |
Thủ tướng Israel và Ngoại trưởng Mỹ thảo luận xung đột ở Dải Gaza, Israel tuyên bố sắp chiến thắng Hamas |
Nhiệm vụ có khả thi?
Thế nhưng, các chuyến đi ‘dập lửa’ của Ngoại trưởng Mỹ dường như đã không mang lại các kết quả mang tính bước ngoặt như Washington mong muốn. Mỹ vẫn có những hành động đáp trả cứng rắn, vượt trội nhắm vào các lực lượng ở Syria, Lebanon... Bởi vậy, đã sau gần 150 ngày và 5 chuyến công du khu vực của Ngoại trưởng Mỹ, tình hình Trung Đông và đặc biệt là tại Dải Gaza vẫn có những diễn biến leo thang mới, thậm chí vết dầu từ Gaza đã loang ra Biển Đỏ, Syria, Lebanon…
Trong bối cảnh như thế, chuyến đi tới khu vực với các điểm dừng chân Arab Saudi, Ai Cập, Qatar, Israel và Bờ Tây của Ngoại trưởng Antony Blinken lần này là hết sức nặng nề: đạt được thỏa thuận phóng thích con tin, ngừng bắn dài ngày, ngăn chặn xung đột không lan rộng thêm để có thể tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang nóng lên từng ngày trong nước.
Trước hết, để đạt được thỏa thuận tạm dừng giao tranh, trao đổi con tin, tiến đến một giải pháp hòa bình lâu dài giữa Hamas và Israel thì nhiệm vụ hàng đầu của ông Blinken là phải đưa được quan điểm và đòi hỏi của hai bên đến gần hơn với nhau và tìm được giải pháp để các bên liên quan có thể chấp nhận được.
Mà để đạt được điều này, không phải chuyện một sớm một chiều và chắc chắn là không hề dễ dàng. Ngoại trưởng Mỹ không chỉ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Tel Aviv và Hamas mà còn phải tác động, làm hài lòng các nhà trung gian hòa giải trực tiếp tại khu vực như Ai Cập, Saudi Arabia, Qatar bên cạnh các thế lực bên ngoài nhưng mọi động thái của họ có thể tác động đến cục diện Trung Đông như Iran…
Chắc hẳn với nhiệm vụ nặng nề như thế, Ngoại trưởng Blinken phải có bước chuẩn bị và tham vấn kỹ lưỡng trước khi lên đường. Theo truyền thông, trước đó, trong một cuộc họp tại Paris với sự có mặt của đại diện của Israel, Qatar và Ai Cập… Washington đã đưa ra đề xuất nhằm hạ nhiệt tình hình, bao gồm việc trao đổi con tin và một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài. Trong đó giai đoạn đầu của ngừng bắn sẽ trả tự do cho 35-40 con tin Israel. Mỗi con tin Israel được phóng thích sẽ đổi lấy 100-250 tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại Israel. Sau đó, có thể đàm phán gia hạn thêm lệnh ngừng bắn để thả thêm con tin Israel và tù nhân Palestine trong các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.
Nếu đề xuất này của Washington được Israel và Hamas chấp thuận, thỏa thuận mới dự kiến có thể đảm bảo việc trả tự do cho hơn 100 con tin Israel còn lại vẫn bị giam giữ ở Gaza và thiết lập một lệnh ngừng bắn kéo dài hơn so với thỏa thuận trước đó.
Cách biệt còn xa vời
Thế nhưng, dường như các nỗ lực của Ngoại trưởng Antony vẫn chưa thể lay chuyển được quan điểm “trước sau như một" của Tel Aviv, đặc biệt là người đứng đầu chính phủ Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tại chặng dừng chân Israel, trong các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống và Thủ tướng Israel tại Tel Aviv ngày 7/2, mặc dù Ngoại trưởng Antony Blinken tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quyền của Israel nhằm đảm bảo rằng các cuộc tấn công như hôm 7/10 sẽ không bao giờ lặp lại.
Ông Blinken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường ở Gaza và các nỗ lực nhằm phóng thích số con tin còn lại cũng như tầm quan trọng của việc vận chuyển viện trợ nhân đạo cho người dân mất nhà cửa ở Gaza, nhưng Thủ tướng Netanyahu vẫn cương quyết theo đuổi giải pháp cứng rắn của Tel Aviv.
Phát biểu họp báo tại Jerusalem ngày 7/2, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục khẳng định, chỉ có biện pháp quân sự mới có thể đảm bảo giải cứu các con tin đang bị lực lượng Hamas bắt giữ tại dải Gaza. Người đứng đầu chính phủ Israel mô tả điều kiện ngừng bắn mà phong trào Hồi giáo Hamas đưa ra là ‘ảo tưởng’.
Ông Netanyahu khẳng định, rằng người Israel không thể chấp nhận điều kiện này bởi đó là sự đầu hàng trước Hamas. Thủ tướng Israel tuyên bố Tel Aviv sẽ tiếp tục tăng cường áp lực quân sự để giải phóng con tin. Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Israel còn tuyên bố, việc giành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến trước Hamas tại Gaza là “trong tầm tay” và sẽ kết thúc trong vài tháng nữa. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố "chỉ ngừng bắn khi Hamas đã bị đánh bại và không chấp nhận đánh đổi con tin bằng bất cứ giá nào, ngoại trừ Hamas đầu hàng hoặc bị xóa sổ".
Trong khi đó, theo các nguồn tin khu vực và quốc tế công bố, lực lượng Hamas đã nhất trí đối với một số nội dung đề xuất ngừng bắn mới tại Gaza mà Mỹ và các bên trung gian đưa ra mặc dù trước đó họ yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và trả tự do cho hàng nghìn tù nhân đang chịu án tù ở Israel vì các tội danh liên quan xung đột giữa Palestine và Israel, kể cả những tù nhân đang bị kết án chung thân.
Theo đó, nhóm vũ trang Palestine đề nghị một lệnh ngừng bắn kéo dài 4,5 tháng để trao đổi con tin theo 3 giai đoạn và tiến tới chấm dứt chiến sự tại Gaza. Theo truyền thông Israel, đề xuất này đã được Hamas gửi tới các nhà trung gian Ai Cập và Qatar hồi tuần trước.
Cũng trong ngày 7/2, tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Bờ Tây, Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas tiếp tục kêu gọi Washington công nhận Nhà nước Palestine bao gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Ông Abbas cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ Palestine trở thành một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh chỉ có thể đạt được hòa bình và an ninh thông qua giải pháp hai nhà nước. Nhà lãnh đạo Palestine cũng kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn Israel khiến người Palestine phải sơ tán khỏi Dải Gaza, cũng như chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào người Palestine, đặc biệt là ở Thung lũng Jordan.
Với mục tiêu của các bên vẫn còn khoảng cách lớn và sự khác nhau như thế, có thể thấy rằng, việc đưa các bên xích lại gần nhau hơn để hạ nhiệt xung đột Israel - Hamas là không thể một sớm một chiều. Nhất là quan điểm và đòi hỏi của các bên vẫn còn khoảng cách khác nhau rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh Washington vẫn có những hành động trả đũa quân sự nhằm vào các lực lượng được cho là thân Iran ở Syria và Lebanon cùng với những diễn biến gần đây ở Biển Đỏ, thì chuyến đi “vừa đấm vừa xoa” của Ngoại trưởng Blinken cũng khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra như kỳ vọng của Washington.
| Có gì ở chuyến công du Trung Đông lần thứ tư trong 3 tháng của Ngoại trưởng Đức? Ngoại trưởng Đức Baerbock cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực Trung Đông, khẳng định cần phải nỗ lực nhiều hơn ... |
| Ngoại trưởng Mỹ công du 5 nước Trung Đông: Xua tan ‘mây mù’ xung đột Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du kéo dài 1 tuần tới 5 nước Trung Đông bắt đầu từ ngày 4/1, nhằm hạn ... |
| Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông: Chuyến đi ‘dập lửa’ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở lại Trung Đông trong chuyến thăm kéo dài năm ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các ... |
| Ngoại trưởng Trung Quốc công du châu Phi và Nam Mỹ: Giữ truyền thống, đẩy ảnh hưởng Trong lúc thế giới đổ dồn quan tâm tới các điểm nóng ở Ukraine, Biển Đỏ hay xung đột leo thang ở Dải Gaza, Ngoại ... |
| Ngoại trưởng Pháp lần đầu tiên công du Trung Đông Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne bắt đầu chuyến công du Trung Đông từ hôm nay, 3/2 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu ... |