Chủ tịch ABAC Rachel Taulelei phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: apec.org) |
Ngày 10/11, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương đã gặp gỡ tại kỳ họp trực tuyến của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2021.
Đoàn Việt Nam do ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các thành viên và Ban thư ký đã tham gia kỳ họp.
Cách tiếp cận lấy người dân là trung tâm
Trong cuộc hop, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, cách tiếp cận người dân là trọng tâm của chương trình nghị sự châu Á-Thái Bình Dương là cần thiết để vượt qua những thách thức về kinh tế và cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay.
Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch ABAC Rachel Taulelei khẳng định: “Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, cho dù là phục hồi sau đại dịch, thương mại, biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng đã cho thấy, một tương lai thịnh vượng, hòa bình cho tất cả mọi người chỉ có thể đạt được khi tất cả các nền kinh tế cùng chung tay hành động”.
Bà Taulelei cho biết thêm: “Điều quan trọng hơn cả là nhu cầu của người dân phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi hành động. Tăng trưởng bao trùm không thể đạt được nếu tách rời khỏi tính bền vững và tăng trưởng kinh tế. Tất cả các yếu tố này đều liên kết với nhau và hỗ trợ lẫn nhau".
Chủ tọa phiên họp lưu ý rằng, những thông điệp này, được thể hiện trong các bài thuyết trình tại cuộc họp lần thứ tư và cuộc họp cuối cùng của ABAC trong năm 2021, đã gây được tiếng vang lớn.
Chương trình nghị sự bao gồm bài phát biểu quan trọng của Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta; một cuộc thảo luận về tương lai của khu vực với cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark; những hiểu biết sâu sắc về triển vọng kinh tế trong bài thuyết trình của Tiến sĩ Petya Koeva Brooks, Phó Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)...
Chủ tịch ABAC lưu ý thêm rằng, Báo cáo thường niên của ABAC với chủ đề Con người, Địa điểm và Sự thịnh vượng sẽ đóng vai trò là điểm nhấn quan trọng trong cuộc Đối thoại thường niên của ABAC với các nhà lãnh đạo APEC sẽ được tổ chức vào ngày 12/11 tới.
Bà Taulelei nhấn mạnh: "Cuộc đối thoại thường niên với các nhà lãnh đạo APEC là một cơ hội quý giá để thảo luận trực tiếp với lãnh đạo các nền kinh tế về các khuyến nghị trong báo cáo của ABAC".
Về tầm quan trọng của việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, ABAC nêu rõ quan điểm rằng, tiêm chủng là chìa khóa để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe và cho phép các quốc gia mở lại biên giới một cách an toàn và liền mạch, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia Hội nghị ABAC. (Nguồn: DĐDN) |
Đề xuất thông qua khuôn khổ chung cho thương mại và đầu tư
Về các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Vương quốc Anh, ABAC cũng chú ý đến các Nguyên tắc lãnh đạo khí hậu cho Doanh nghiệp của ABAC và đề xuất với APEC về việc thông qua một khuôn khổ chung cho thương mại và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Những sáng kiến này đều rất quan trọng trong việc hướng đến một tương lai giảm thiểu carbon xuống mức thấp nhất và bảo vệ sự bền vững của hành tinh.
Chủ tịch Hội đồng ABAC 2021 thông tin thêm, đầu năm nay, ABAC đã đưa ra tuyên bố ủng hộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hiện ABAC cũng đã gửi kiến nghị tới Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra các quyết định đầy tham vọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhằm củng cố tổ chức trong thời gian tới.
Ngoài ra, tình trạng bất bình đẳng toàn cầu đã gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia trong thời kỳ đại dịch. Do đó, ABAC đang tiến hành vận động nâng cao năng lực và cải cách cơ cấu, những điều cần thiết để trao quyền nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ và cộng đồng bản địa.
Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 cũng cho thấy sự cấp bách trong việc các nền kinh tế cần phải trang bị tốt hơn trong thời đại kỹ thuật số, thông qua việc nâng cấp kỹ năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cho phép thương mại kỹ thuật số liên tục, liền mạch hơn.
ABAC cũng hoan nghênh việc xây dựng Kế hoạch thực hiện chi tiết cho Tuyên bố Putrajaya 2040 của APEC, và chúc mừng New Zealand đã dẫn đầu trong việc thực hiện công việc quan trọng này.
Chủ tịch ABAC kết luận: “Các mục tiêu đầy tham vọng trong Tuyên bố là những gì khu vực của chúng ta cần đạt được. Để giải quyết các thách thức hiện nay, chúng tôi khuyến khích các nền kinh tế APEC đưa Kế hoạch vào thực hiện ngay lập tức”.