📞

ACMECS 7, CLMV 8, WEF – Mekong: "Cuộc gặp gỡ của những người anh em"

12:47 | 19/10/2016
Từ ngày 24-26/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi sự kiện ngoại giao đa phương bao gồm: Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phray – Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia – Lào - Myanmar – Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8), và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF – Mekong). 

Dự kiến, sự kiện sẽ có sự tham dự của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Thái Lan.

Nhằm mục đích cung cấp đầy đủ thông tin và giải đáp các câu hỏi của giới truyền thông, sáng 19/10, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cấp cao ACMECS 7, CLMV8 và WEF – Mekong đã chủ trì buổi Họp báo Quốc tế giới thiệu về các hội nghị quan trọng này.

Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, đây là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016.

Họp báo Quốc tế giới thiệu về các hội nghị ACMECS 7, CLMV 8 và WEF - Mekong. (Ảnh: Tuấn Anh)

Các hội nghị thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam cũng như trách nhiệm to lớn trong hợp tác Tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác ACMECS và CLMV nói riêng, bởi trong khuôn khổ hội nhập tiểu vùng, đây là khu vực có liên quan trực tiếp và sát sườn nhất tới Việt Nam. Trong cả quá trình hợp tác lâu dài, Việt Nam luôn thể hiện nỗ lực đóng góp trong tất cả các lĩnh vực đầu tư, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… và đã có nhiều sáng kiến để đưa khuôn khổ hợp tác này ngày càng phát triển.

Tiểu vùng Mekong hiện được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng về con người, giá trị dự trữ văn hóa truyền thống, sinh quyển, tài nguyên thiên nhiên và du lịch... Vấn đề quan trọng và lớn nhất đang nổi lên chính là khoảng cách phát triển giữa hai khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Bài toán phát triển khu vực được đặt ra là tăng cường kết nối, thu hẹp được khoảng cách phát triển trong nội khối và giữa các nước trong khu vực, nhằm phát triển bền vững và duy trì tiềm năng lâu dài. Đây cũng chính là lý do tại khu vực này hiện đang dày đặc các cơ chế hợp tác đều vì một mục tiêu chung mà hợp tác CLMV và ACMECS là hai trong số đó.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cấp cao ACMECS 7, CLMV8 và WEF - Mekong. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khu vực Tiểu vùng Mekong hiện được đánh giá còn nhiều tiềm năng lớn cần được đánh thức. Trên thực tế, những năm qua, GDP của các nước ở khu vực này đều đứng trong TOP đầu và đang có xu hướng đầu tư lớn vào khu vực này, trong đó hợp tác du lịch là một trong những điểm sáng. Một mảng quan trọng khác trong tất cả các Hội nghị ACMECS, CLMV đều nói đến là kết nối cơ sở hạ tầng. Kết nối hạ tầng đường bộ được kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Hành lang giao thông sẽ chính là nền tảng tốt để mở ra các cơ hội hợp tác khác như hành lang kinh tế, du lịch, kết nối phát triển nguồn nhân lực…

Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh, điểm đặc biệt trong chuỗi các sự kiện quốc tế lần này là sáng kiến của Việt Nam về Hội nghị Diễn đàn WEF – Mekong lần đầu tiên được tổ chức với mục tiêu thiết thực là đưa các doanh nghiệp thành viên của WEF vào chứng kiến các tiềm năng của khu vực, kết nối doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo, với tiểu vùng, tăng cường kết nối đầu tư, kinh doanh. Hội nghị Diễn đàn WEF – Mekong là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đến bạn bè quốc tế, thúc đẩy các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh vào Việt Nam.

Toàn cảnh Họp báo Quốc tế về ACMECS 7, CLMV8 và WEF – Mekong, 19/10. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhấn mạnh về ý nghĩa của các Hội nghị lần này, Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho rằng, khác với các hội nghị đa phương khác, đây là cuộc gặp giữa những người anh em, bạn bè truyền thống, "hàng xóm sát nhà", là cơ chế rất quan trọng để  tăng cường lòng tin.

"Hợp tác để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ các vấn đề cụ thể từ hợp tác phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong, đến tội phạm xuyên quốc gia… Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức như hiện nay, các Hội nghị này càng khẳng định ý nghĩa to lớn vì mục tiêu chung", Thứ trưởng nói. 

Xin Thứ trưởng cho biết mục đích của Việt Nam khi đăng cai các hội nghị lần này?

Mục đích của chúng ta là nhằm tăng cường mối quan hệ và hợp tác với các quốc gia láng giềng rất sát sườn trên các mặt chính trị, an ninh và liên kết kinh tế. Qua sự kiện này, Việt Nam còn thể hiện là một đối tác có trách nhiệm đối với lợi ích của chính mình, của các nước láng giềng thân thiện và với lợi ích của cả ASEAN trong hợp tác Tiểu vùng. Rộng hơn, Việt Nam còn thể hiện là đối tác có trách nhiệm với tất cả các cơ chế mà chúng ta đã tham gia, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Khác với các hội nghị đa phương khác, đây là cuộc gặp giữa những người anh em, bạn bè truyền thống, “hàng xóm sát nhà”, là cơ chế rất quan trọng để tăng cường lòng tin. Các bên hợp tác cùng nhau giải quyết, tháo gỡ các vấn đề cụ thể từ hợp tác phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong, đến tội phạm xuyên quốc gia… Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức như hiện nay, các hội nghị này càng khẳng định ý nghĩa to lớn vì mục tiêu chung. Vậy, các đối tác sẽ tới hội nghị với các đề xuất và nội dung cụ thể hay phần nhiều theo tinh thần ngoại giao? Tất cả các bên đều mong muốn Hội nghị không chỉ dừng ở mức những hành vi và gợi ý mang tính ngoại giao. Các hoạt động sẽ ngày càng thiết thực hơn. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế và kết nối hạ tầng, đi đến hiệu quả ngày càng thiết thực. Các nội dung đóng góp và sáng kiến cụ thể của các bên sẽ được ban tổ chức cố gắng cung cấp sớm nhất tới giới truyền thông.

Có ý kiến cho rằng, hiệu quả hợp tác trong CLMV và ACMECS chưa cao, thưa Thứ trưởng?

Tôi nghĩ rằng, tùy theo cách nhìn. Bởi nếu chỉ nhìn hiệu quả bằng cách đếm bao nhiêu dự án, bao nhiêu đầu tư… thì đúng là có nhiều vấn đề về mặt hiệu quả. Nhưng nếu nhìn ở tầm lớn hơn như việc xây dựng lòng tin, về tạo sự hấp dẫn chung đối với tất cả các đối tác bên ngoài, từ chuyện đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, hay những câu chuyện khác…, đây là một cơ chế rất cần thiết. Chúng ta không thể nóng vội vì tất cả đều có mức độ phát triển gần giống nhau, đối phó với những thách thức cũng gần giống nhau. Thường một tiểu vùng muốn phát triển nhanh thì cần có đầu tàu, hiện chúng ta đang thiếu đầu tàu đó. Vì thế, chúng ta tập hợp lại, bàn bạc để cùng tạo sức hấp dẫn lớn hơn với các đối tác bên ngoài. Với Việt Nam, hợp tác tiểu vùng đã kích thích chúng ta tự vận động, tự phát triển để tự tăng cường năng lực. Đó cũng là tăng cường năng lực của cả tiểu vùng.

Có không ít những khó khăn khách quan tác động đến hợp tác trong CLMV và ACMECS?

Theo tôi, về chủ quan, mức độ quan tâm từ lãnh đạo cấp cao đến doanh nghiệp, công chúng và cả giới truyền thông đối với cơ chế này còn chưa cao. Có thể là do cách tiếp cận, chưa thấy có hiệu quả, hoặc nhìn vấn đề mới chỉ tập trung quá nhiều vào các hiệu quả cụ thể. Vì có những dự án có khi phải rất lâu sau nữa, thậm chí nhiều đời sau, mới có thể thấy được hiệu quả của nó, nên cũng rất khó thuyết phục. Đầu tiên chúng tôi mong muốn có sự quan tâm đầy đủ và rộng hơn của tất cả các cấp, giới truyền thông, người dân và doanh nghiệp. Còn ở các cấp tác nghiệp thì cần nghiên cứu để có được các sáng kiến dù nhỏ thôi nhưng hữu dụng và cụ thể. Nếu chúng ta chỉ nghĩ tới các sáng kiến quá cao xa thì rất dễ bị mất lòng tin, càng làm giảm sự quan tâm. Đây là hai khó khăn lớn nhất trong khối cần phải vượt qua được.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Anh - Thành Châu (ghi)