📞

ADB cảnh báo triển vọng ảm đạm của kinh tế châu Á trong 2 năm tới

15:11 | 03/04/2019
Báo cáo kinh tế mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy đà tăng trưởng của châu lục này trong năm 2019 có thể “giảm tốc” năm thứ hai liên tiếp và mất đà hơn nữa vào năm 2020, một phần do những rủi ro gia tăng từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.    

Theo dự báo của ADB, 45 quốc gia thành viên của ngân hàng này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ có mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5,7% trong năm nay. Con số trên thấp hơn mức tăng ước tính 5,9% của năm 2018 và 6,2% trong năm 2017.

Mức dự báo mới nhất của ADB cho năm 2019 đã giảm nhẹ so với con số đưa ra hồi tháng 12/2018 là 5,8%. Trong năm 2020, nhóm các nước này được dự báo sẽ tăng trung bình 5,6%, mức chậm nhất kể từ năm 2001.

Theo dự báo của ADB, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm nay, thấp hơn so với mức 6,6% trong năm 2018. Nền kinh tế lớn nhất châu Á sau đó sẽ giảm tốc xuống 6,1% trong năm 2020 do những ảnh hưởng từ sự thắt chặt quản lý trên thị trường bất động sản, hoạt động ngân hàng ngầm và tranh chấp thương mại với Mỹ khiến xuất khẩu của nước này suy yếu.

Khu thương mại trung tâm Bắc Kinh (CBD). (Nguồn: Wikipedia)

Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2019 với mức tăng 7,2%, sau khi “hạ nhiệt” từ mức 7,2% hồi năm 2017 xuống còn 7,0% trong năm 2018. Sang năm 2020, con số trên sẽ nhích lên 7,3% khi lãi suất được cắt giảm và nông dân Ấn Độ nhận được hỗ trợ thu nhập, qua đó củng cố nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Khu vực Đông Nam Á sẽ duy trì tăng trưởng ở mức khoảng 5% trong năm nay và năm tới, nhờ nhu cầu trong nước mạnh lên bù đắp cho tăng trưởng xuất khẩu yếu đi. Sức tiêu thụ mạnh mẽ của khu vực này được hỗ trợ bởi thu nhập tăng lên, lạm phát ở mức thấp và kiều hối gia tăng mạnh, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế tại đây. Mặt khác, nhu cầu xuất khẩu có thể sẽ giảm trong năm 2019 do thị trường toàn cầu yếu hơn, trước khi tăng nhẹ vào năm 2020.

Đối với Việt Nam, ADB dự báo tình hình tăng trưởng sẽ ở mức vừa phải nhưng vẫn ổn định, ước tính đạt 6,8% trong năm 2019 và 6,7% vào năm 2020. Đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục được mở rộng và củng cố bởi nền sản xuất định hướng xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhu cầu nội địa bền vững. Việc Chính phủ Việt Nam thực hiện những cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn với các đối tác trên khắp thế giới thông qua các hiệp định thương mại sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân.

ADB dự báo tình hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức vừa phải nhưng vẫn ổn định. (Nguồn: UBND Thành phố Hồ Chí Minh)

Trong một tuyên bố, nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB cho biết cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dù tiếp tục được kéo dài hay kết thúc, cũng sẽ ảnh hưởng tới đầu tư và tăng trưởng của các quốc gia châu Á.

Quá trình đàm phán chưa có nhiều tiến triển cùng những biến động trong quan điểm về việc liệu một thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có đạt thành hay không đã khiến các doanh nghiệp ngày càng cảm thấy bất ổn, đặc biệt là những doanh nghiệp trực tiếp tham gia lĩnh vực thương mại.

Với khả năng đàm phán kéo dài và việc thắt chặt các quy định quản lý đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tình trạng bất ổn có thể trở nên sâu sắc hơn và lan sang các lĩnh vực khác ngoài những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng các cuộc đàm phán kết thúc sớm hơn và mang lại một thỏa thuận giúp cắt giảm thuế quan hiện có. Các thông báo gần đây có thể coi là những cử chỉ thiện chí của cả Trung Quốc và Mỹ, giúp tăng khả năng hai bên đạt được thỏa thuận và giảm bớt các rào cản thương mại và đầu tư.

Báo cáo của ADB cũng đề cập đến việc rủi ro lãi suất của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến đã giảm bớt so với bản báo cáo trước đó. Sự suy yếu trong hoạt động kinh tế ở Mỹ và trên toàn cầu vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ. Những đồn đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất ba hoặc bốn lần nữa trong năm 2019 đã không còn.

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những rủi ro biến động tài chính. Những bất ổn xung quanh chính sách tiền tệ của Mỹ đã lớn hơn và các ước tính của ADB cho thấy điều này có thể dẫn tới biến động tỷ giá hối đoái lớn hơn đối với các đồng tiền của châu Á.

Ngoài ra, dù những biến động ở các thị trường mới nổi trong năm 2018 đã giảm đi vào đầu năm 2019 tới nay, diễn biến này hoàn toàn có thể trở lại và dẫn theo những hậu quả cho điều kiện tài chính của các nền kinh tế châu Á.

(theo Reuters)