📞

ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng vững chắc trong năm nay

15:30 | 06/04/2017
Trong bối cảnh tăng trưởng của một số nền kinh tế trên thế giới sụt giảm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nước châu Á đang phát triển tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay, song cảnh báo nguy cơ dòng vốn rút khỏi khu vực.

Trong bản báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2017 được công bố ngày 5/4, ADB ước tính trong giai đoạn 2017-2018, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á tăng 5,7%.

Báo cáo cho biết 30/45 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được dự báo tăng trưởng tích cực chủ yếu nhờ nhu cầu bên ngoài tăng cao và sự phục hồi của giá cả hàng hóa. Nếu không tính đến các nền kinh tế công nghiệp mới có thu nhập cao như Hàn Quốc và Singapore, ADB dự báo tăng trưởng toàn khu vực trong năm nay và năm tiếp theo sẽ đạt lần lượt 6,3% và 6,2%.

Một trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: Nikkei)

Báo cáo của ADB cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua “sự giảm tốc vừa phải” với tăng trưởng đạt 6,5% trong năm nay và giảm xuống 6,2% trong năm 2018. ADB nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục "tái cân bằng, phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế". Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ dự kiến đạt tăng trưởng 7,4% trong năm 2017 và 7,6% năm tiếp theo.

Đối với khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay được nâng lên 4,8% và đạt 5% trong năm tiếp theo với tăng trưởng tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều cho thấy "xu hướng đi lên". Báo cáo nhận định sự phục hồi của giá thực phẩm, nhiên liệu toàn cầu và sản lượng nông nghiệp cũng là những thông tin tích cực đối với các quốc gia sản xuất hàng hóa như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Tương tự, giá dầu tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng tại các nền kinh tế thuộc khu vực Trung Á như Azerbaijan và Kazakhstan. Do đó, khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 3,1% và 3,5% trong năm 2017 và 2018.

ADB cảnh báo triển vọng kinh tế khu vực châu Á vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ đường hướng chính sách tiền tệ biến động tại các nền kinh tế phát triển, trong đó có lộ trình bình thường hóa lãi suất tại Mỹ. ADB cho rằng trong khi các nguy cơ ngắn hạn có thể xử lý được, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực vẫn cần theo dõi các rủi ro suy thoái, như sự đảo ngược dòng vốn.

Theo thể chế tài chính này, những chuyển dịch trong các chính sách thuế và thương mại, đặc biệt là những thay đổi chính sách đang được thảo luận tại Mỹ, có thể gây nên bất ổn đối với hoạt động đầu tư kinh doanh và tăng trưởng xuất khẩu tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

(theo Nikkei Asian Review)