ADB cho biết sẽ tăng mức tài trợ của TFP lên 1,35 tỷ USD, để theo kịp với nhu cầu của thị trường về tài trợ thương mại vốn đã tăng hơn 50% trong năm 2017.
Giám đốc Bộ phận Tài trợ Thương mại của ADB Steven Beck cho biết việc mở rộng giới hạn vốn sẽ giúp ADB đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của thị trường đối với các dịch vụ tài trợ thương mại.
Trụ sở ngân hàng ADB tại Manila, Philippines. (Nguồn: ADB) |
Theo kết quả khảo sát của ADB, các thể chế tài chính hỗ trợ thương mại cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ thương mại toàn cầu, ước tính lên tới 1.500 tỷ USD. Trong đó, 40% con số này là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
TFP được triển khai ở 21 nền kinh tế thành viên của ADB, trong đó hoạt động mạnh nhất ở các thị trường Armenia, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam.
Hỗ trợ cho hơn 12.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước châu Á đang phát triển từ năm 2009 đến nay, TFP giúp giảm khoảng cách về tài trợ thương mại giữa các thị trường bằng cách cung cấp các khoản vay và bảo lãnh cho các thể chế tài chính hỗ trợ hoạt động thương mại trong khu vực.
Chỉ riêng trong năm 2016 và 2017, TFP bảo lãnh và tài trợ cho gần 5.600 giao dịch, với tổng giá trị lên tới 7,6 tỷ USD, chưa kể cùng tài trợ số tiền lên tới 4,6 tỷ USD.