Thách thức mới, tầm nhìn chiến lược mới
Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, kỷ niệm 10 năm ra đời ADMM+, tổng kết 1 giai đoạn để kế thừa, xác định tầm nhìn chiến lược an ninh trong giai đoạn mới. Cộng đồng ASEAN và các đối tác bước vào thập kỷ thứ ba, bên cạnh cơ hội là những thách thức an ninh toàn cầu. Đặc biệt là khủng hoảng do đại dịch Covid-19, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc cực đoan, sự suy giảm của chủ nghĩa đa phương và mâu thuẫn Mỹ - Trung đang ở đỉnh cao.
10 năm qua, ADMM+ là điểm sáng trong hợp tác quốc phòng, an ninh. Nhưng trong bối cảnh mới, dừng lại, không điều chỉnh thích ứng với tình hình là thụt lùi, là tự đánh mất mình.
Với quan điểm đó, các quốc gia thành viên ADMM+ đã vượt qua khác biệt, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, thống nhất ra Tuyên bố chung của ADMM+ lần thứ 7 (10/12) gồm 7 điểm về tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.
Trên cơ sở thống nhất nhận thức về cơ hội và thách thức, Tuyên bố chung nhấn mạnh các bên cần “tránh làm trầm trọng hơn việc để mất lòng tin, tính toán sai lầm và hành xử theo kiểu trò chơi có tổng bằng không”. Đó vừa là nguyên nhân của tác động tiêu cực vừa là yêu cầu đặt ra cho các quốc gia thành viên trong giai đoạn mới.
Tuyên bố chung ghi nhận tầm quan trọng của gắn kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với ASEAN ở trung tâm. Cơ sở của sự gắn kết khu vực là tư tưởng “tự do, rộng mở, dung nạp và tôn trọng luật pháp quốc tế”. Tuyên bố chung tái khẳng định nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực là quy tắc ứng xử then chốt trong quan hệ quốc tế, chìa khóa kiềm chế, hóa giải mâu thuẫn, hạn chế xung đột.
Từ bài học những năm qua, Tuyên bố chung khẳng định ý nghĩa, vai trò của ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm. Các Bộ trưởng Quốc phòng thống nhất tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác thông qua ADMM+, tạo động lực mới cho các cơ chế an ninh do ASEAN dẫn dắt để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh ngày càng phức tạp.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chủ trì Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội. |
Thách thức an ninh ở Biển Đông luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và tồn tại những khác biệt trong các kỳ ADMM+ và các diễn đàn khác. ADMM+ lần thứ 7 tiếp tục khẳng định những quan điểm, nguyên tắc của Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan khác giữa ASEAN với các đối tác, mà cốt lõi là: tăng cường lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong các hoạt động, tránh làm phức tạp thêm tình hình; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, nhằm duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Nội dung Tuyên bố chung bao hàm những vấn đề cốt lõi ở Biển Đông, thể hiện sự quan tâm, quan ngại của khu vực và là nền tảng để kiềm chế xung đột, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ở một “điểm nóng”.
Bên cạnh đó, ADMM+ cũng còn nhiều vấn đề hệ trọng cần giải quyết. Thừa nhận vai trò, ý nghĩa của ADMM+, ngày càng có nhiều nước, trong đó có những nước lớn muốn tham gia. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần rộng mở, linh hoạt của ADMM+.
Nhưng cũng có thành viên vì động cơ riêng, dựa vào nguyên tắc đồng thuận để hạn chế việc mở rộng ADMM+ cho một số quốc gia khác ngoài khu vực. Cũng có quốc gia tìm cách giải thích, vận dụng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, thỏa thuận của ADMM+ theo hướng có lợi cho mình.
Điều đó cản trở việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, hiệu quả của ADMM+, là vấn đề mà các quốc gia thành viên phải tính đến vì lợi ích chung trong giai đoạn mới.
Tuyên bố chung của ADMM+ lần thứ 7 thể hiện sự thống nhất cao, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tuyên bố chung của ADMM+ lần thứ 7 chứa đựng, thống nhất với nhiều nội dung trong Tuyên bố chung của ADMM-14, thể hiện sự kết nối giữa 10 nước ASEAN với các đối tác.
Kết quả đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dịp kỷ niệm 10 năm ra đời ADMM+, là sự kiên trì giữ vững nguyên tắc, kế thừa, phát triển theo tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của hành trình 10 năm.
Trong lễ kỷ niệm 10 năm ADMM+, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: ADMM+ thực sự là một cơ chế có tầm vóc vô cùng lớn lao, đã và đang phát huy hiệu quả vai trò là cơ chế tham vấn cấp chính sách và hợp tác thực chất về quốc phòng-an ninh cấp Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời có những bước chuyển mình, phát triển phù hợp với nhu cầu cũng như tình hình thực tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên”.
Thành công đó là kết quả của sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ giữa 10 nước ASEAN và 8 quốc gia đối tác, đặt nền tảng cho một giai đoạn mới của ADMM+, vượt qua khó khăn, thách thức, hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả. Đồng thời chứng tỏ vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động dẫn dắt của Việt Nam trong việc ra đời, trong hành trình 10 năm của ADMM+, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên.