📞

AEC: Vì lợi ích của doanh nghiệp

13:30 | 29/07/2017
Việt Nam đang ở đâu trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và làm sao để doanh nghiệp Việt tận dụng được cơ hội từ AEC?

Đây chính là chủ đề thảo luận trọng tâm tại Tọa đàm "50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Bốn yếu tố đủ

Chia sẻ tại Tọa đàm, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng mặc dù đã được thành lập cách đây 50 năm, nhưng quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN diễn ra chưa lâu. Vì vậy, khi ASEAN chính thức công bố sự ra đời của AEC vào năm 2015, chúng ta mới thực hiện được khoảng 95% biện pháp để thực hiện lộ trình. Hiện tại, thách thức lớn nhất là khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN vẫn còn lớn. GDP bình quân của nước giàu nhất trong khu vực cao gấp 43 lần nước nghèo nhất.

Thách thức thứ hai, theo Tổng Thư ký ASEAN, là dù AEC đã cơ bản xóa bỏ tất cả các dòng thuế thương mại hàng hóa, nhưng vẫn còn những rào cản phi thuế quan. Điều này cần loại trừ để trong ASEAN có không gian cho phát triển thương mại.

Thứ ba, sự hiểu biết của người dân, các doanh nghiệp ASEAN và các doanh nghiệp đang làm ăn hoặc mong muốn làm ăn với ASEAN còn chưa đồng nhất.

Thứ tư, ASEAN vẫn tiếp tục chính sách khu vực mở, tức là ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, trong khi trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là tại một số nền kinh tế lớn. Vì vậy, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, để hội nhập tốt hơn trong AEC, doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt.

Tiếp cận AEC theo một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành đã nêu lên bốn “đủ”  đối với AEC: đủ hấp dẫn, đủ thuận lợi, đủ sáng tạo và đủ hỗ trợ về chính trị.

Theo ông Thành, AEC đã đủ tính hấp dẫn bởi đây là thị trường lớn, tiềm năng với hơn 600 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang không ngừng gia tăng.  ASEAN cũng là một trong những khu vực kết nối tốt nhất thế giới với những nhà đầu tư hàng đầu. Về thuận lợi, dù mức thuế quan đã giảm khá mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhưng kết nối hạ tầng còn ngổn ngang. Theo kế hoạch, đến năm 2015, ASEAN cần hoàn thành 115 dự án kết nối hạ tầng, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành  được 31%.

Về sáng tạo, ASEAN đang “học” rất giỏi nhưng “làm” còn kém. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ... ASEAN có quan tâm nhưng sự vào cuộc còn yếu, chưa nói đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn yếu và thiếu. Về hỗ trợ chính trị, ông Thành cho rằng, chính quyền có vai trò rất quan trọng và cần phải nỗ lực hơn nữa để sát cánh cùng doanh nghiệp trong AEC.

Còn theo giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), AEC có trở thành một cộng đồng thành công hay không còn phụ thuộc vào sự thành công của cả Hiệp hội. Qua nửa thế kỷ, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Hiệp hội đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực có nền tảng sản xuất, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN.

Tọa đàm "50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam"  vừa diễn ra ở Hà Nội.(Ảnh: Nguyễn Hồng)

Không chỉ thụ hưởng mà phải đặt luật chơi

Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong AEC là trăn trở của rất nhiều đại biểu tại Tọa đàm. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, AEC đã từng bước được hình thành nhưng những lợi ích cụ thể của hợp tác kinh tế đem lại cho doanh nghiệp hay những thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam cần biết để có biện pháp khắc phục thì chưa thực sự rõ ràng.

Để phát triển, theo Thứ trưởng, doanh nghiệp nào cũng cần bốn yếu tố là vốn, công nghệ, thị trường và lao động. AEC được thiết kế nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận những yếu tố đó. Dù đi sau nhưng doanh nghiệp Việt cần phải tận dụng các yếu tố quan trọng này.

Về vốn, khi hòa mình vào AEC, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rất lớn. Về công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp trong ASEAN như Malaysia, Singapore đi trước rất xa và nếu Việt Nam biết kết hợp  thì sẽ tiếp cận được nhiều công nghệ mới. Về lao động, sự tự do di chuyển trong  ASEAN sẽ giúp Việt Nam thu hút nguồn nhân lực đang thiếu, đồng thời, Việt Nam cũng có thể đưa lao động sang các nước trong khu vực.

“Doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành người chơi trên thị trường  và là một người chơi có đủ năng lực. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chỉ rõ.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh cho rằng, đa số doanh nghiệp Việt quan tâm tìm hiểu về AEC nhưng chỉ có 16% thực sự hiểu rõ. Vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về AEC tới cộng đồng doanh nghiệp luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua, trong đó có Việt Nam.

Đủ khát vọng, thiếu chuyên nghiệp

Dưới góc độ của một chuyên gia, TS. Võ Trí Thành nhận định,  doanh nghiệp Việt có đủ khát vọng, bản lĩnh nhưng chưa chuyên nghiệp, kỷ luật chưa tốt nên hoạt động kết nối với chính sách, với tập đoàn chưa có. Doanh nghiệp Việt cũng đủ khôn ngoan để nhận biết thị trường cạnh tranh nhưng dường như chưa nhanh nên bị chậm chân so với các nước ở khu vực trong việc khai thác thị trường ASEAN.

Trước bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng doanh nghiệp Việt phải chọn lọc và phát huy thế mạnh của mình trong khu vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm hơn đến việc giữ vững thị trường trong nước. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, so với các nước trong khu vực có quy mô kinh tế tương tự như Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp. Để có thể phát triển mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần chủ động hơn. “Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, chia sẻ cơ hội, vượt qua ‘sóng to, gió lớn’ nâng cao hiệu quả của mình”, bà Hằng khuyến nghị.

Còn nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak lại cho rằng, vẫn có những doanh nghiệp thành công khi chinh phục được thị trường ASEAN nên cần có sự đối thoại để chia sẻ kinh nghiệm giữa Chính phủ và doanh nghiệp với nhau. Không thể  đưa ra quy định rồi mới lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp, mà phải lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp trước rồi mới đưa ra quy định. Có như vậy mới đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN.

(tổng hợp)