Xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế Ai Cập thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 18,2 tỷ USD mỗi năm. (Nguồn: Al Mayadeen) |
Phát biểu tại cuộc họp báo về các biện pháp giảm thiểu thiệt hại của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Thủ tướng Madbouly đánh giá, cuộc xung đột này gây ra những hệ lụy tài chính to lớn đối với Ai Cập, làm giá hàng hóa chiến lược tăng vọt.
Xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi thiệt hại khoảng 130 tỷ Bảng Ai Cập (khoảng 7 tỷ USD), thậm chí có thể lên tới 335 tỷ Bảng Ai Cập (gần 18,3 tỷ USD) mỗi năm.
Trước khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ai Cập nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu ngũ cốc từ hai quốc gia này. Bên cạnh đó, 31% khách du lịch tới Ai Cập cũng đến từ Nga và Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Cairo đang nhanh chóng đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc, cũng như thu hút thêm khách du lịch từ các thị trường khác.
Theo Thủ tướng Madbouly, chính phủ Ai Cập đã áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, trong đó có đẩy mạnh khu vực tư nhân, nội địa hóa ngành công nghiệp và thúc đẩy thị trường chứng khoán Ai Cập.
Ông Madbouly nhấn mạnh, Ai Cập sẽ không trụ vững trước cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 cũng như vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay nếu không nhờ có chương trình cải cách kinh tế và tốc độ phát triển vượt bậc.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko cho biết, xuất khẩu của nước này sang Liên minh châu Âu (EU) và các nước Bắc Mỹ đã bị chặn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, với tổng số tiền từ 16-18 tỷ USD/năm.
Trên kênh truyền hình Belarus-1, ông Golovchenko nói, các biện pháp trừng phạt này "không chỉ nhằm gây áp lực mà còn là công cụ cho sự xâm lược trong tương lai... Có thể đây là giai đoạn cuối cùng trước một cuộc xâm lược vũ trang truyền thống".
Theo ông, mục đích của lệnh trừng phạt nhằm kìm hãm phát triển của Belarus, buộc nước này phải tuân theo các yêu cầu, điều kiện nào đó.