Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry. (Nguồn: Getty Images) |
Theo tuyên bố, hai Ngoại trưởng nhấn mạnh quyết tâm tăng cường hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực và thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Nhân dịp này, tháp radio và vô tuyến truyền hình Ostakino mang tính biểu tượng của thủ đô Moscow đã được thắp sáng bằng quốc kỳ của Nga và Ai Cập. Ngoài ra, trụ sở Bộ Ngoại giao Ai Cập được thắp sáng trong tối 26/8 với dòng chữ "Ai Cập 80 Nga" bằng tiếng Arab để chào mừng sự kiện này.
Ai Cập và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/8/1943, khi Nga là một phần của Liên Xô trước đây. Lễ kỷ niệm 80 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Nga sẽ được hai bên phối hợp tổ chức thông qua chuỗi sự kiện ở cả hai nước kéo dài trong cả năm 2023.
Bộ Ngoại giao Ai Cập tiết lộ trong số các sự kiện có một số chương trình và hoạt động chung nhằm làm sáng tỏ sự đa dạng của quan hệ lịch sử giữa Ai Cập và Nga. Ngoài ra còn có các chương trình chiếu phim tài liệu, truyền hình và các triển lãm trưng bày tài liệu lưu trữ, tư liệu do Bộ Ngoại giao hai nước tổ chức và một số dự án hợp tác chuyên ngành trong một số lĩnh vực.
Hợp tác Ai Cập-Nga đã tăng cường trong những năm qua trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, đặc biệt là năng lượng. Trong năm 2022, khối lượng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm trước.
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tại St. Petersburg, nhằm thảo luận về quan hệ song phương, nhấn mạnh trao đổi thương mại của Nga với Ai Cập chiếm 1/3 kim ngạch buôn bán với châu Phi.
Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn từ Nga, bất chấp sự gián đoạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do khủng hoảng Ukraine.
Hai nước đang hợp tác trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Dabaa ở tỉnh Matrouh của Ai Cập, cũng như thành lập khu công nghiệp Nga ở miền Đông Ai Cập. Nga hiện cũng là một trong những thị trường du lịch quan trọng nhất của Ai Cập, với số lượng du khách Nga tới Ai Cập khoảng 30.000 lượt người mỗi tuần.