Trong khi Ethiopia coi GERD là 'cứu cánh' cho quá trình điện khí hóa và sự phát triển của quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này thì Ai Cập và Sudan lo ngại GERD có thể đe dọa quyền tiếp cận nguồn nước sông Nile. (Nguồn: Egypt Independent) |
Ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, nước này đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để phản đối Ethiopia tiếp tục triển khai kế hoạch tích nước cho hồ chứa của GERD mà không có sự nhất trí của các quốc gia hạ nguồn.
Trong 1 tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho hay, Cairo đã nhận được thông báo từ phía Addis Ababa hôm 26/7, trong đó nói rằng Ethiopia sẽ tiếp tục tích nước cho hồ chứa của GERD vào mùa mưa lũ năm nay.
Đáp lại, Ai Cập đệ đơn lên HĐBA LHQ để phản đối và bác bỏ việc Ethiopia tiếp tục đơn phương tích nước cho đập GERD mà không có bất kỳ thỏa thuận mang tính ràng buộc nào.
Cairo khẳng định kiên quyết bảo vệ “quyền hợp pháp của chúng tôi về việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo và bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có quyền chống lại mọi rủi ro mà những biện pháp đơn phương của Ethiopia có thể gây ra trong tương lai”.
Đặc phái viên Mỹ về vùng Sừng châu Phi Mike Hammer cùng ngày đã có mặt tại Ethiopia để đàm phán về một số vấn đề, trong đó có tranh chấp liên quan đến GERD giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan.
Ông Hammer nêu rõ: “Chúng tôi đang tích cực tham gia hỗ trợ thúc đẩy một giải pháp ngoại giao, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi, nhằm đạt được một thỏa thuận đáp ứng được những yêu cầu lâu dài của mọi người dân sinh sống dọc sông Nile”.
GERD, được xây dựng trên sông Nile Xanh, là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi, song công trình đã trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan kể từ khi khởi công xây dựng hồi năm 2011.
Addis Ababa coi GERD có vai trò cần thiết cho tiến trình điện khí hóa và phát triển của Ethiopia, quốc gia đông dân thứ 2 châu Phi.
Tuy nhiên, Cairo và Khartoum lo ngại rằng, GERD có thể đe dọa quyền tiếp cận nguồn nước sông Nile quan trọng của họ nên đã yêu cầu ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý giữa 3 quốc gia liên quan đến hoạt động tích nước và vận hành đập thủy điện này.