Trong một tuyên bố ngày 23/4, Hải quân Ai Cập cho biết cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch huấn luyện chung giữa quân đội Ai Cập với các quốc gia đồng minh, nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và trao đổi kinh nghiệm sử dụng các công nghệ chiến đấu mới nhất.
Một cuộc tập trận giữa Ai Cập và UAE năm 2016. (Nguồn: Ahram) |
Ngoài Mỹ và Ai Cập, Eagle Salute 2017 còn có sự tham gia của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Pakistan và Italy. Theo Hải quân Ai Cập, cuộc tập trận cũng cho thấy "mối quan hệ đối tác vững chắc và chiến lược" giữa các nước đồng minh trong nhiều lĩnh vực.
Eagle Salute 2017 với tình huống tác chiến giả định nhằm bảo vệ các khu vực hàng hải chống lại các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, nạn buôn người. Cuộc tập trận với các hoạt động bao gồm lập kế hoạch và tổ chức phối hợp chiến đấu chung cả ngày lẫn đêm dưới sự hỗ trợ của không quân.
Ngoài ra, cuộc tập trận cũng bao gồm các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như công tác kiểm tra, lục soát tàu thuyền khả nghi với sự tham gia của nhiều đơn vị thuộc hải quân và lực lượng đặc nhiệm của các nước.
Quan hệ song phương Ai Cập và Mỹ đã trở nên căng thẳng sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013, sự kiện mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama coi là một "cuộc đảo chính quân sự" và đã hủy bỏ cuộc tập trận chung "Bright Star".
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã ấm trở lại dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mới đây, Tổng thống Trump đã cam kết tiếp tục cấp khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập.