Kỳ họp thường niên lần thứ hai của AIIB diễn ra tại đảo Jeju, Hàn Quốc từ 16 - 18/6, với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, các tổ chức tài chính, xã hội và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Hội nghị lần này sẽ bàn thảo việc hoạch định chiến lược phát triển hiệu quả và bền vững hơn cho AIIB.
Sức hấp dẫn lớn
Dù chỉ mới thành lập từ đầu năm 2016 với 57 thành viên, AIIB đã hấp dẫn rất nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó nổi bật có Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan… Mới đây nhất, ngày 13/6, người đứng đầu ngành tài chính Hong Kong (Trung Quốc) Paul Chan thông báo đặc khu hành chính này đã chính thức trở thành thành viên thứ 78 của tổ chức có số vốn lên tới 100 tỷ USD, và chính quyền Hong Kong sẽ cử đại diện tham dự cuộc họp tại Jeju.
Bên cạnh đó, Nhật Bản, một cường quốc tại châu Á, cũng đang xem xét gia nhập AIIB. Ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo có thể gia nhập AIIB nếu những hoài nghi về vấn đề quản trị ngân hàng được giải đáp.
Việc liên tục kết nạp các thành viên mới cho thấy AIIB có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với cả những quốc gia là thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Việc kết nạp này cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế của AIIB, đồng thời thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư mới.
Cờ của AIIB và các quốc gia thành viên tại lễ khai mạc cuộc họp thường niên đầu tiên của AIIB ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters) |
Hiện nay, AIIB đang có nhiều dự án hỗ trợ phát triển với các quốc gia thành viên. Ngày 13/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tổ chức tài chính này có khả năng phê chuẩn việc cấp 150 triệu USD tín dụng cho Philippines để cải thiện năng lực quản lý phòng chống lũ lụt tại Manila, bao gồm xây dựng trạm bơm, đồng bộ cơ sở hạ tầng, cũng như cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ̣ thống tháo nước và̀ hệ̣ thống quản lý rác thải rắn của trạm bơm. Nếu trở thành hiện thực, dự án do AIIB, WB, Quỹ Môi trường Thế giới và Chính phủ Philippines cùng thực hiện này sẽ góp phần cải thiện đời sống của 970.000 người dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, những thành tựu kể trên chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của AIIB. Do đó, tại hội nghị thường niên năm nay, các quốc gia thành viên của AIIB cần thảo luận về những thách thức mà tổ chức tài chính này đang phải đối mặt.
Nhiều thách thức
AIIB có tuổi đời còn rất trẻ so với các tổ chức tài chính quốc tế khác như ADB và WB. Do đó, sự tham gia của tổ chức này trong hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước kém và đang phát triển tại châu Á vẫn còn hạn chế. Cụ thể, AIIB chỉ mới tài trợ cho 13 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tám trong số này là những dự án hợp tác với ADB và WB.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tới năm 2030, nhu cầu phát triển hạ tầng tại những quốc gia kém và đang phát triển tại châu Á dự kiến sẽ lên tới 1.300 tỷ USD. Điều này đòi hỏi AIIB phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế và hỗ trợ các quốc gia thành viên. Đồng thời, AIIB cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ hơn những tổ chức tài chính đi trước như ADB và WB, đặc biệt là tính minh bạch trong quản trị và đầu tư, cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường.
Đến nay, số vốn cho vay của AIIB vẫn còn hạn chế. Theo tờ Mainichi (Nhật Bản), tổ chức này đã đầu tư 1,7 tỷ USD vào các dự án tại bảy quốc gia, trong đó có những nhà máy điện ở Myanmar và Pakistan, vượt mục tiêu cho vay đề ra trong năm đầu tiên là 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, con số trên còn quá nhỏ so với khoản cho vay lên tới 26 tỷ USD của ADB năm 2015.
Trong khi đó, AIIB đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng - thiếu nhân lực. Tổ chức này cần những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, cũng như xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. AIIB hiện chỉ có 84 chuyên gia, so với 3.000 chuyên gia của ADB. Do đó, AIIB chủ yếu vẫn chi trả cho các chuyên gia của ADB và các tổ chức khác để thực hiện những đánh giá đầu tư cho chính mình. Lý giải cho vấn đề này, báo cáo của BOK nhận định: “AIIB đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng các chuyên gia với mức lương thấp hơn và lợi ích xã hội ít hơn so với các tổ chức đa quốc gia khác”.
Có thể nói, những thách thức kể trên đang hạn chế tiềm năng to lớn của tổ chức tài chính quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu này. Thực trạng đòi hỏi các nhà quản lý và các chuyên gia của AIIB xây dựng một chiến lược phát triển hiệu quả và mang tính dài hạn để đưa tổ chức đáp ứng được kỳ vọng của các quốc gia thành viên.