Cuộc họp báo có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban đối ngoại Quốc hội Bùi Thanh Sơn.
Hình ảnh cuộc họp báo về AIPA 41. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những kết quả nổi bật
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do tình hình đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nên lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội từ 8-10/9, cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA khắc phục khó khăn, củng cố đoàn kết và hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng thành phần tham dự có 30 nghị viện thành viên và các tổ chức quốc tế trong đó có gần 400 đại biểu, trong đó có 230 đại biểu là đại biểu Quốc hội; đặc biệt 10 nước thành viên ASEAN có 11 Chủ tịch Quốc hội tham dự, trong đó Thái Lan cả Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện; có 14 Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự. Cùng với các nghị viện thành viên, có 11 nước quan sát viên đăng ký tham dự, 3 Chủ tich Quốc hội khách mời 3 nước là Kazakhstan, Na Uy, Morocco. Đặc biệt lần này có sự tham dự của Cố vấn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký IPU, Tổng thư ký AIPA, Phó Tổng thư ký ASEAN, Ban thư ký AIPA, và 4 tổ chức là đối tác của AIPA.
Tham dự ở đầu cầu Việt Nam trong buổi khai mạc có các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại hội đồng đã nhận được thông điệp quan trọng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo hình thức trực tuyến. Với vai trò là chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng là rất phù hợp; nội dung trao đổi phong phú, sát với tình hình thực tiễn; đặc biệt là về các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch; tầm quan trọng của việc củng cố hoà bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Nhiều Đoàn nêu vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn ở Biển Đông cần dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 UNCLOS; Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); nhất trí thúc đẩy để sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các ý kiến đều nhất trí về các ưu tiên của AIPA cũng như ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe ý kiến người dân, tập trung giải quyết các khó khăn do Đại dịch Covid 19 gây ra đối với người dân trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
So với 3 kỳ đại hội đồng lần trước, lần này Đại hội đồng đã tổ chức được cuộc họp của Ủy ban Chính trị và thông qua được 6 Nghị quyết. Đặc biệt sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA được các đại biểu đồng thuận cao và được đánh giá là nhân tố mới trong kỳ đại hội đồng lần này và là dấu ấn lịch sử quan trọng trong việc hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ AIPA. Các nước đồng thuận giao lại cho Ban thư ký AIPA và Ban thư ký nghị viện các nước tiến hành quy trình, thủ tục để năm tới để đưa vào là một hoạt động chính thức của Đại hội đồng AIPA.
Đại hội đồng cũng đã quyết định kết nạp Na Uy, Morocco là Nghị viện quan sát viên mới của AIPA. Đại hội đồng đã nhất trí cao thông qua bản Thông cáo chung ghi nhận và đánh giá toàn diện kết quả Đại hội đồng AIPA lần thứ 41.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trong trong năm 2020 của Việt Nam như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt là Đại hội đồng AIPA 41 cũng là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Nhiệm kỳ Khóa 14.
Chủ đề AIPA 41 phù hợp với tình hình thực tế
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những cam kết, kế hoạch cụ thể của các Nghị viện thành viên trong việc hỗ trợ Chính phủ các nước phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả đều khẳng định, vai trò của các Nghị viện thành viên AIPA trong việc ủng hộ Chính phủ thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch là rất quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ, Việt Nam chọn chủ đề cho Đại hội đồng AIPA 41 vào năm 2019 là “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, thời điểm vẫn chưa có đại dịch. Tuy nhiên, chủ đề của ASEAN và AIPA là “gắn kết và chủ động thích ứng” lại ứng ngẫu nhiên lại thích hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đại hội đồng AIPA lần này thể hiện sự ủng hộ rất cao trong việc triển khai sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động, phối hợp ứng phó, kịp thời kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là thành lập Quỹ phòng, chống dịch, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới, trong đó có việc ban hành chính sách về giáo dục, việc làm, cải thiện hệ thống y tế công, giảm thiểu tác động của Covid-19 đến những ngành nghề chịu tác động mạnh nhất như giao thông, du lịch, bán lẻ… Các nghị viện thành viên cũng nhất trí thúc đẩy phát triển kinh tế số, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch Covid-19.
Đại hội đồng đã đưa ra khuyến nghị cho các Nghị viện thành viên phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa hoạt động thương mại, xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; nghiên cứu khuôn khổ luật pháp mới để ứng phó với đại dịch Covid-19 và các đại dịch khác; phát huy việc thực hành kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo vì sự phát triển bền vững.
Tất cả ý kiến thảo luận đều hoan nghênh những nỗ lực từ phía các khuôn khổ hợp tác vùng, tiểu vùng, thúc đẩy phát triển công bằng bền vững trong Cộng đồng ASEAN bằng cách gắn tăng trưởng tiểu vùng với sự phát triển toàn diện của cả khu vực ASEAN nhằm đạt được mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN.
Sáng kiến của Việt Nam là dấu ấn lịch sử
Trả lời câu hỏi về sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ AIPA và sự hưởng ứng của các Nghị viện thành viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nghị sĩ trẻ chiếm 1/3 trong tổng số hơn 600 triệu dân của ASEAN nhưng lại chưa có tiếng nói tương xứng. Do đó, sáng kiến đề xuất cơ chế tiếng nói của các Nghị sỹ trẻ được vang lên tại các kỳ Đại hội đồng AIPA của Việt Nam được các nước hoan nghênh. Báo cáo của Chủ tịch Nhóm Đại biểu quốc hội trẻ Việt Nam tại Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ AIPA ngày 8/9 đã nhận được sự thống nhất cao của các nghị sĩ nước thành viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sáng kiến trên của Việt Nam đã trở thành dấu ấn lịch sử quan trọng trong việc hình thành cơ chế hội nghị dành cho các Nghị sĩ trẻ AIPA, là "nhân tố mới" trong kỳ Đại hội đồng lần này. Việc đưa ra sáng kiến hình thành cơ chế hợp tác dành cho Nghị sỹ trẻ tại các Nghị viện, liên Nghị viện, góp phần khẳng định vai trò lịch sử, đóng góp quan trọng của thanh niên nói chung, Nghị sỹ trẻ nói riêng trong việc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách phát triển từng quốc gia; khẳng định các Nghị sỹ trẻ AIPA là nhân tố quan trọng kết nối, thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào tiến trình xây dựng, phát triển Cộng đồng ASEAN. Trên cơ sở kết quả Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ lần này, các Nghị viện thành viên tiếp tục thảo luận về vấn đề thủ tục, nhằm đưa Hội nghị Nghị sỹ trẻ trở thành cơ chế chính thức tại các Đại hội đồng, trước mắt tại Đại hội đồng AIPA 42.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng, các Nghị sỹ trẻ góp phần chuyển tải ý chí, tâm tư, nguyện vọng của cử tri trẻ; đóng góp tích cực vào hoạt động AIPA nói chung, các Nghị viện thành viên AIPA nói riêng.
*Chia sẻ về cảm xúc khi là một trong hai nhà lãnh đạo của nghị viện các nước thành viên AIPA được trao tặng giải thưởng cống hiến xuất sắc (cùng với Chủ tịch Quốc hội Lào - PV), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự AIPA 41 bày tỏ sự xúc động, tự hào khi là đại diện đầu tiên của Quốc hội Việt Nam được nhận giải thưởng cao quý của Hội đồng liên nghị viện ASEAN.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Giải thưởng này là minh chứng cho nỗ lực không mệt mỏi không phải chỉ riêng cá nhân, mà là của Quốc hội Việt Nam, của nhân dân Việt Nam với ước mong đóng góp có hiệu quả vào việc tiếp tục xây đắp tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác, tin cậy lẫn nhau, hướng tới một nền hòa bình bền vững trong khu vực vì sự thịnh vượng, hòa bình cho các nước, người dân trong khối ASEAN.
| Bế mạc Đại hội đồng AIPA 41: Hướng tới Tầm nhìn mới cho ngoại giao Nghị viện khu vực ASEAN trong tương lai TGVN. Sáng nay 10/9, sau ba ngày làm việc, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 ... |
| Hội nghị AIPA 41: Nhất trí cao, kịp thời hưởng ứng TGVN. Với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Đại hội đồng Liên Nghị ... |
| Nghị viện thành viên AIPA hướng đến kết nối trực tiếp và phục vụ cho người dân TGVN. Chiều 9/9, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) tại Hà ... |