Lễ khai mạc AIPA 42 diễn ra sáng 23/8. |
Đại Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA 42) với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” đã diễn ra qua hình thức trực tuyến từ ngày 23-25/8 tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam.
Vượt lên nghịch cảnh
Như lời của Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam Pehin Dato Abdul Rahman Taib, “tinh thần hữu nghị và hợp tác đã vượt lên nghịch cảnh, để Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 vẫn có thể diễn ra trực tuyến”.
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin cho là "cuộc khủng hoảng lớn và điển hình trong thời đại của chúng ta", các đại biểu đã bày tỏ đánh giá cao AIPA vì khả năng bền bỉ khi duy trì vai trò của mình trong bối cảnh đại dịch.
Các đại biểu vui mừng nhận thấy các thành viên AIPA đã tăng cường hợp tác trong năm Chủ tịch của Brunei, theo chủ đề “Chúng tôi quan tâm, Chúng tôi chuẩn bị, Chúng tôi thịnh vượng”, và cùng nhau hướng tới việc xác lập vị thế của ASEAN trong thế giới hậu đại dịch.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN đã tiếp tục đề cao sự đoàn kết, gắn kết và tự chủ, và duy trì cam kết mạnh mẽ và vai trò trung tâm của mình, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN để tăng cường khả năng thích ứng của từng quốc gia, qua đó từng bước kiểm soát đại dịch, thông qua Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN, Kho dự trữ vật tư y tế, Quy trình ứng phó chuẩn đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, và đặc biệt là sáng kiến An ninh và Tự cường vaccine.
Đề cập đến chủ đề của Đại hội đồng AIPA lần thứ 42, “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”, Chủ tịch Hội đồng lập pháp Brunei cho biết, việc đảm bảo chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm sẽ được ưu tiên để nâng cao sự tự cường và chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ hiện tại và kế tiếp cho một thời đại hậu đại dịch.
Chủ tịch Hội đồng lập pháp Brunei giải thích rằng chủ đề được chọn không chỉ để bao quát, thúc đẩy và tạo điều kiện cho kỹ thuật số bao trùm để tiếp tục phát triển hợp tác Nghị viện trong bối cảnh đại dịch, mà còn để nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghị sỹ trong việc hỗ trợ Tầm nhìn ASEAN năm 2025 hướng đến một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội”.
Các đại biểu dự Đại hội đồng AIPA 42 từ đầu cầu Hà Nội. |
Những kết quả quan trọng
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Hạ viện Philippines Allan Jay Velasco nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế số là rất cấp bách và quan trọng, khi khu vực chúng ta đang nỗ lực thích ứng với trạng thái “bình thường mới.”
Việc chuyển đổi số đã giúp khu vực thích ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn trong môi trường nhiều sự gián đoạn. Các nền tảng số đã giúp người dân ASEAN duy trì kết nối và hợp tác, và giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động khi đang đóng cửa biên giới. Chuyển đổi số cũng đã trở thành trọng tâm chiến lược của ASEAN để thúc đẩy hồi phục kinh tế và xây dựng lại mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể tận dụng tối đa các công nghệ số. Vẫn còn tồn tại sự mất cân bằng giữa các quốc gia trong khu vực về việc tiếp cận Internet, cũng như tốc độ đường truyền và chi phí sử dụng Internet.
Theo đó, ông nhấn mạnh rằng tính bao trùm số là rất quan trọng để giúp tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và các tầng lớp xã hội có thể tiếp cận các nền tảng số.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện IndonesiaYM. Puan Maharani phản ánh mong muốn của Nghị viện trong việc hợp tác nhằm giúp cải thiện kết nối kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN; nhấn mạnh rằng các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin để thu được lợi ích lớn hơn từ công nghệ số.
Chủ tịch Hạ viện Malaysia Datuk Azhar Azizan Harun thì nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và việc cung cấp thông tin chính xác; kêu gọi các bên cùng hành động nhằm giúp tăng tính đại diện của khu vực thông qua tăng cường hợp tác giữa các nước và đề cao cam kết thực hiện Tầm nhìn ASEAN.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai đề cập đến khái niệm ngoại giao nghị viện, là công cụ quan trọng để đạt được hòa giải.
Còn đại biểu Campuchia nhấn mạnh, hòa bình là nền tảng quan trọng để phát triển khi thế giới đang phải đối mặt với sự bất ổn và nhiều mối đe dọa đối với hòa bình chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững để mọi người có thể sống trong thịnh vượng và tiến bộ.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei, trong tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sau ba ngày làm việc, Đại hội đồng AIPA 42 đã thông qua được Thông cáo chung và 26 Nghị quyết (trong đó có 1 nghị quyết của cuộc họp Nữ Nghị sỹ, 4 Nghị quyết của Ủy ban Chính trị, 2 Nghị quyết của Ủy ban Kinh tế, 3 Nghị quyết của Ủy ban Văn hóa, 16 Nghị quyết của Ủy ban Tổ chức), thảo luận về nhiều vấn đề đa dạng ở nhiều lĩnh vực, cùng nhau nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nghị viện; tái khẳng định cam kết của AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng đến một môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng thịnh vượng chung ở khu vực.
Đại hội đồng AIPA 42 cũng đã thông qua Nghị quyết về kết nạp nghị viện quan sát viên là Ukraine và Pakistan, qua đó mở rộng mạng lưới quan sát viên, tạo dựng và mở rộng mạng lưới ngoại giao nghị viện.
Đóng góp và chia sẻ của Việt Nam
Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA 42, đã gợi mở một số vấn đề, để các nghị viện thành viên ASEAN có thể bàn bạc, trao đổi và tăng cường hợp tác với nhau.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Đại hội đồng AIPA 42. |
Thứ nhất, gỡ bỏ các rào cản thông qua khuôn khổ pháp lí phù hợp, cải thiện chất lượng các dịch vụ công trực tuyến nhằm phát triển chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số, và thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số;
Thứ hai là thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia và khu vực, tăng cường kĩ năng số ở các khu vực kém phát triển và các tiểu vùng, qua đó đảm bảo sự phát triển bình đẳng và bền vững của ASEAN;
Thứ ba, phải huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ sinh thái số qua hợp tác công - tư, thiết lập các vườn ươm doanh nghiệp số và khởi nghiệp số;
Thứ tư, cải thiện các chính sách, khuôn khổ pháp lí và ưu tiên hỗ trợ các sáng kiến về an ninh mạng, bảo mật thông tin và dữ liệu, và xây dựng lòng tin trong lĩnh vực số.
Thứ năm, tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong nghiên cứu, phát triển, và phân phối bình đẳng vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị và trao quyền nhiều hơn cho các chính phủ để có thể ứng phó với đại dịch Covid-19 một cách tích cực, linh hoạt và hiệu quả.
Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam chia sẻ với Đại hội đồng, xuất phát từ việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã chủ động ban hành nghị quyết và trao quyền cho Chính phủ những quyền chưa có trong tiền lệ, để linh hoạt hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Trong Thông điệp chào mừng gửi đến Đại hội đồng AIPA 42 thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chủ đề của Đại hội đồng AIPA năm nay có tính thời sự cao, đặt ra yêu cầu thiết thực trong hợp tác nghị viện ASEAN, phát huy vai trò của kênh lập pháp đồng hành với kênh hành pháp trong đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số và bất bình đẳng số, hướng tới kỹ thuật số bao trùm trong Cộng đồng ASEAN.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong giai đoạn khó khăn, thử thách hiện nay, tầm quan trọng của kênh lập pháp các nước ASEAN, thông qua AIPA và các Nghị viện thành viên như một trụ cột phối hợp nhịp nhàng và bổ trợ hiệu quả cho nỗ lực của các Chính phủ củng cố sức mạnh tổng thể của ASEAN vượt qua sóng gió, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng Cộng đồng.
Các thành viên đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên họp và sự kiện trong khuôn khổ AIPA 42 với phương châm chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững lập trường nguyên tắc của Việt Nam; tôn trọng các nguyên tắc linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử, vận dụng quy trình thủ tục và phương thức hoạt động của AIPA; thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA bổ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, đặc biệt trước mắt là vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, đến giờ phút kết thúc Đại hội đồng, các phương án kiến nghị mà đoàn đã chuẩn bị đều được các đoàn nhất trí và tiếp thu vào các nghị quyết cũng như văn kiện Đại hội đồng lần này.
Theo ông Vũ Hải Hà, đại biểu nghị viện các nước đã hưởng ứng rất tích cực những đề xuất trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao các ý kiến của đoàn Việt Nam, trong đó, ấn tượng nhất là phát biểu liên quan đến nội dung bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo khuôn khổ pháp lý cho kết nối mạng, đảm bảo quyền tự do cá nhân, các dữ liệu cá nhân; hay vấn đề việc làm cho phụ nữ trong bối cảnh sau đại dịch hoặc kết nạp thành viên, quan sát viên mới của AIPA, những cơ chế đối thoại để nâng cao vai trò, vị thế của AIPA…
Là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta trong nhiệm kỳ khóa XV, việc tham dự AIPA 42 theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covdi-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao nghị viện, tiếp tục thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam về thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA và các nước ASEAN về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có hợp tác, chia sẻ về vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19, truyền đi thông điệp về một Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới, trách nhiệm, tích cực và chủ động đối với hợp tác nghị viện đa phương khu vực.
Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) - tiền thân của Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) ngày 19/9/1995. Trong 26 năm qua, Quốc hội Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực đóng góp vào sự phát triển của tổ chức liên nghị viện khu vực. Trong các hoạt động tại diễn đàn liên nghị viện khu vực, Quốc hội nước ta đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong và ngoài khu vực. Thông qua kênh ngoại giao nghị viện, chúng ta có dịp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, vận động nghị sĩ các nước ASEAN phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong khuôn khổ AIPO/AIPA, Việt Nam có cơ hội đối thoại với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nghị viện châu Âu… về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Quốc hội Việt Nam cũng tích cực ủng hộ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên mới trong tiến trình gia nhập AIPA và phối hợp tổ chức thành công các kỳ họp Đại hội đồng ở các nước này. Quốc hội Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của AIPA. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm bằng việc hai lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 (từ ngày 8-13/9/2002), Đại hội đồng AIPA 31 (từ ngày 19-25/9/2010) và Đại hội đồng AIPA 41 (từ ngày 8-10/9/2020). |