Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã có những chia sẻ với báo chí về kết quả của Đại hội đồng AIPA 42. |
Ngay sau lễ bế mạc Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA-42) với chủ đề: "Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã có những chia sẻ với báo chí về kết quả của Đại hội đồng.
Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật của Đại hội đồng lần này?
Kỳ họp thứ 42 của Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Chủ tịch Hội đồng lập pháp Brunei đã phát biểu ngay tại phiên khai mạc là học tập kinh nghiệm của Việt Nam và họ đã làm rất thành công trong kỳ họp lần này. Theo tôi đánh giá, kỳ họp có một số nội dung thành công như sau:
Thứ nhất là, Brunei đã chọn rất trúng chủ đề của Hội nghị và đã thu hút được sự quan tâm của tất cả các nghị viện thành viên cũng như các nghị viện, quan sát viên và khách mời. Trong các phát biểu, các trưởng đoàn đều đánh giá đây là chủ đề rất phù hợp với tình hình hiện nay của ASEAN.
Thứ hai là, từ chủ đề trung tâm đó, các Ủy ban đã phát triển thành những chủ đề của từng Ủy ban và bổ trợ rất tích cực cho việc đưa ra các sáng kiến, các giải pháp để triển khai những kế hoạch, chương trình hành động cho việc chuyển đổi số để phục vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Thứ ba, là sự tham gia đầy đủ, rất tích cực của các nghị viện thành viên. Các đoàn nghị viện thành viên đều do các Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu. Các nghị viện quan sát viên, cũng rất nhiều đoàn do các Chủ tịch, Phó Chủ tịch dẫn đầu và khách mời rất quan tâm đến hội nghị lần này. Tổng Thư ký ASEAN đã tham gia và có những phát biểu đánh giá rất cao vai trò của AIPA trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thứ tư, tất cả các thành viên đều khẳng định AIPA cam kết đồng hành cùng với ASEAN trong giai đoạn khó khăn này để cùng nhau xây dựng một ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và tự cường, hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.
Tham gia AIPA lần này, Việt Nam đã có những kiến nghị, đề xuất mang tính gợi mở, định hướng cho hoạt động của nghị viện thành viên trong khu vực, đặc biệt là các vấn đề được nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về những kiến nghị, đề xuất của phía Việt Nam tại AIPA 42?
Đúng như vậy, trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở một số vấn đề, để các nghị viện thành viên ASEAN có thể bàn bạc, trao đổi và tăng cường hợp tác với nhau.
Một là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN. Chuyển đổi số cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của từng quốc gia. Nhiều đại biểu cho rằng làm sao phải hài hòa hóa pháp luật trong khu vực để có một hệ thống pháp luật tương đồng, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận số một cách bình đẳng giữa các vùng của từng quốc gia, cũng như trong khu vực, tiểu khu vực và của cả người dân.
Hai là phải thu hẹp khoảng cách số. Giữa những người dân với nhau phải được tiếp cận các dịch vụ công một cách công bằng và có điều kiện tiếp cận các cơ sở hạ tầng để làm sao lợi ích của quá trình số hóa đến được với tất cả các người dân, trong đó có cả những nhóm yếu thế.
Ba là phải huy động các hình thức đầu tư phù hợp, kết hợp công tư, để xây dựng được một cơ sở hạ tầng số và phát triển hệ sinh thái số.
Bốn là, tăng cường hợp tác trong việc xây dựng cơ sở pháp lý để đảm bảo an ninh mạng cũng như bảo mật thông tin cho từng cơ quan, từng đơn vị, từng cá nhân; qua đó, xây dựng lòng tin số trong khu vực.
Thứ năm, xuất phát từ kinh nghiệm của Việt Nam, rất đáng để chia sẻ, đó là Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa rồi, chúng ta đã chủ động ban hành nghị quyết và trao quyền cho Chính phủ những quyền chưa có trong tiền lệ, để linh hoạt hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Điều này được các nước trong khu vực đánh giá rất cao và là một kinh nghiệm hay để các nước có thể trao đổi với chúng ta.
Một vấn đề nữa là, trong vấn đề phòng, chống Covid-19, làm sao phát huy Quỹ Phòng, chống Covid-19 của ASEAN, sử dụng quỹ một cách hiệu quả nhất và phải có chiến lược về phòng, chống dịch bệnh trong ASEAN, hợp tác để chúng ta sản xuất, cung ứng và chia sẻ cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc và vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Đây là những vấn đề được nêu rất rõ trong thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam có bài phát biểu tại Đại hội đồng AIPA 42 chiều 23/8. |
Ông có thể cho biết các nước, tổ chức quốc tế tham gia AIPA 42 đánh giá đối với các đề xuất này như thế nào?
Các nước hưởng ứng rất tích cực. Tôi cho rằng, quan trọng nhất ở đây là đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đề xuất này rất đúng với vai trò Quốc hội. AIPA đã bàn nhiều đến hài hòa hóa pháp luật trong lĩnh vực chuyển đổi số. Nếu có hài hòa pháp luật sẽ tạo ra một điều kiện rất thuận lợi để cho chuyển đổi số được thực hiện một cách có hiệu quả.
Phòng, chống dịch Covid-19 và các biện pháp phục hồi kinh tế là một trong những nội dung được các thành viên AIPA đặc biệt quan tâm trong chương trình nghị sự. Ông có thể cho biết, những bước tiếp theo để đưa các đề xuất của AIPA 42 đi vào cuộc sống?
Trong AIPA, các nghị quyết bao giờ cũng được các nghị viện thành viên truyền tải tới các nghị sỹ cũng như Chính phủ nước mình. Với vai trò, chức năng của từng cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ có những biện pháp triển khai khác nhau.
Cơ quan lập pháp sẽ ban hành những chính sách và các biện pháp lập pháp để triển khai có hiệu quả nhất và sau đó là giám sát việc thực hành.
Cơ quan hành pháp, căn cứ trên những chính sách đã được Quốc hội ban hành, sẽ thực hiện nghị quyết của AIPA.
Bản thân AIPA cũng có cơ chế Hội nghị nhóm tư vấn AIPA. Hằng năm, các nghị viện đều phải báo cáo kết quả việc thực hiện các nghị quyết đối với AIPA.
Theo tôi, đây là những biện pháp chúng ta cần phải làm trong thời gian tới để triển khai có hiệu quả nhất những nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng lần này.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong cuộc họp các Ủy ban của AIPA 42 lần này?
Trong lần tham dự AIPA lần này, đoàn Việt Nam phân bổ nguồn lực lượng rất đông đảo các đại biểu Quốc hội dự họp. Như vậy, có sự kết hợp giữa các đại biểu cũ, có kinh nghiệm và đại biểu mới. Những đại biểu mới phát huy vai trò rất tốt trong lĩnh vực chuyên môn. Trong tất cả các Ủy ban, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án thảo luận của Việt Nam.
Rất phấn khởi là đến giờ phút kết thúc bế mạc của Đại hội đồng, các phương án kiến nghị mà chúng tôi đã chuẩn bị đều được các đoàn nhất trí và tiếp thu vào các nghị quyết cũng như văn kiện Đại hội đồng lần này.
Ông có ấn tượng nhất với ý kiến nào của Đoàn Việt Nam đưa ra trong cuộc họp của các Ủy ban?
Chủ đề AIPA lần này xoay quanh vấn đề công nghệ số, chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm. Do vậy, những nội dung liên quan, ví dụ như đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bên cạnh tạo khuôn khổ pháp lý cho gắn kết nối mạng, pháp luật mỗi nước cũng phải đảm bảo quyền tự do cá nhân, các dữ liệu cá nhân, đồng thời đảm bảo những dữ liệu đó được sử dụng một cách hợp lý, phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng và người dân.
Hay vấn đề việc làm cho phụ nữ trong bối cảnh sau đại dịch hoặc kết nạp thành viên, quan sát viên mới của AIPA, những cơ chế đối thoại mới sắp triển khai sẽ nâng cao vai trò, vị thế của AIPA đối với các thiết chế khác trong khu vực, cùng nhau phấn đấu xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, tự cường và đoàn kết vào năm 2025.
Trân trọng cảm ơn ông!